Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT&TKCN năm 2024; đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023 và tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, năm 2023, tình hình thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai, trong đó, xảy ra 5 trận bão, 3 đợt áp thấp nhiệt đới; 229 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 509 trận dông lốc, sét, mưa đá; 817 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 346 trận động đất; 25 đợt rét đậm, rét hại; 30 trận gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Trên cả nước xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích; 298 nhà sập đổ, 17.694 nhà hư hỏng, tốc mái; 192.727 ha lúa, hoa màu, 26.921 ha cây trồng khác bị ngập úng, thiệt hại; 3.658 con gia súc; 283.645 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 4.312 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 252 lồng bè bị thiệt hại; 292 km đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng;nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng hơn 4,3 triệu m3 đất, đá, bê tông; 181 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, cả nước điều động trên 204.500 lượt người, 23.132 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 4.336 vụ; cứu 3.968 người, 207 phương tiện; hướng dẫn, hỗ trợ di dời 962.933 người, 201.799 phương tiện từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn…

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên cả nước như: Rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển…; thiên tai làm 14 người chết, mất tích, ước tính thiệt hại vật chất trên 399 tỷ đồng.

Năm 2024, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung triển khai thực hiện văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai; kiện toàn tổ chức, hoạt động BCĐ phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Thường trực BCĐ phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương; tập trung thực hiện công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; chỉ đạo, chỉ huy điều hành và triển khai hiệu quả, công tác ứng phó với các trận thiên tai, sự cố lớn. Ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế trong thực hiện ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24h, nắm chắc tình hình chủ động ứng phó, khắc phục, xử lý các tình huống sự cố, thiên tai và TKCN, kịp thời, hiệu quả không để bị động bất ngờ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, cảnh giác trong công tác PCTT&TKCN từ Trung ương đến địa phương; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế còn gặp phải trong công tác PCTT&TKCN.

Đề nghị Bộ Quốc phòng sớm phối hợp với các bộ ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự; tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về PCTT. Các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp bộ, ngành và cộng đồng. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ. Rà soát, cập nhật, tính toán phương án PCTT. Tăng cường chất lượng công tác dự báo bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể. Phải hành động sớm, chủ động trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ động huy động các nguồn lực để thực hiện công tác PCTT; mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công tác PCTT&TKCN, nhất là trong công tác dự báo khí tượng, thủy văn và hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng nâng cao năng lực PCTT&TKCN cho Việt Nam…

Hoài An

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-nghi-toan-quoc-ve-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-3169152.html