Hội nghị thượng đỉnh RIO+20: Lộ trình xanh nhằm phát triển bền vững

Hôm 20/6, hơn 90 nguyên thủ quốc gia và khoảng 50.000 đại biểu đại diện cho 191 thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững (Rio +20) tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.

Đây được coi là cơ hội để các lãnh đạo trên thế giới bàn thảo và xác định mục tiêu cũng như các chỉ số mới về phát triển bền vững, đổi mới phương thức tài trợ và các biện pháp nhằm nhanh chóng loại bỏ các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững hiện nay.

Với chủ đề "Tương lai chúng ta muốn" (The Future We Want), hội nghị Rio+20 lần này tìm kiếm sự đồng thuận về nhiều vấn đề cho đến nay vẫn chưa đạt được, đặc biệt về các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, năm kết thúc tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ngay trong ngày đầu làm việc (20/6), các đại biểu đã tập trung thảo luận vào vấn đề cải thiện khuôn khổ thể chế để phát triển bền vững và phát triển nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói nghèo.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở trong một thỏa thuận mang tính lịch sử. Vì thế đừng bỏ lỡ cơ hội này. Thế giới đang dõi theo xem những điều chúng ta nói có trở thành hành động hay không. Chúng ta biết chắc chắn phải hành động. Rio +20 không phải là sự chấm dứt mà là sự khởi đầu, là thời điểm tất cả chúng ta suy nghĩ cho tương lai lâu dài của toàn thế giới".

Khoảng 13.000 binh lính và 7.000 cảnh sát Brazil đã được huy động để bảo vệ an ninh Hội nghị Rio +20.

Còn Tổng thống nước chủ nhà Dilma Rousseff thì kêu gọi "tất cả các quốc gia trên thế giới cam kết" đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của môi trường và xã hội. Trong 3 ngày đối thoại, chính phủ Brazil đã lên nghị trình tập trung 7 lĩnh vực then chốt cần hành động mạnh mẽ để thúc đẩy sự bền vững gồm: việc làm, năng lượng, thành phố, an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, nước, đại dương và khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai.

Theo ghi nhận của phóng viên báo chí, ngay trong các phiên thảo luận, lãnh đạo các quốc gia vẫn bị chia rẽ trong quan niệm làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không gây hại cho môi trường. Đây cũng là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất. Hiện dân số thế giới khoảng 7 tỷ người và dự đoán sẽ tăng thành 9 tỷ người vào năm 2050. Với tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hóa một cách chóng mặt như hiện nay thì tác hại đối với môi trường ngày càng lớn.

Thế nhưng, như khuyến cáo của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế-tài chính cộng thêm những khó khăn về nợ công ở châu Âu hiện nay nên nguồn tiền cung cấp cho các dự án môi trường đang ngày càng cạn kiệt. Điều này khiến các chuyên gia môi trường lo ngại, chỉ trong 1-2 năm tới, vấn đề bảo vệ môi trường sẽ càng trở nên cấp thiết, thậm chí là đáng báo động.

Vì thế, như Tổng thư ký OECD Angel Gurria từng nhấn mạnh, không thể tách rời phát triển bền vững với môi trường. Do đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ phải bàn và xác định các mục tiêu cũng như các chỉ số mới về phát triển bền vững, đổi mới phương thức tài trợ và các biện pháp nhằm nhanh chóng loại bỏ các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững hiện nay.

Tin từ hãng AP cho hay, cho đến cuối ngày 19/6, tức chỉ 1 ngày trước khi hội nghị Rio+20 khai mạc, dự thảo văn bản chính trị cuối cùng của hội nghị mới được thông qua, bao gồm lời kêu gọi đổi mới các cam kết chính trị về phát triển bền vững; các đề nghị về cách thức nền kinh tế xanh hỗ trợ phát triển bền vững và xóa đói nghèo; các thể chế cần thiết để thúc đẩy và hỗ trợ phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu.

Tham dự hội nghị lần này, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu cùng nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã có một số tham luận và tích cực tham gia đóng góp cho dự thảo báo cáo của LHQ về phát triển bền vững sẽ được trình bày tại Rio+20, đồng thời cũng đang xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh với mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, cụ thể là kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2011-2015 về phát triển bền vững để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Nhiều nhà phân tích nhận định, đây là cơ hội tốt để Việt Nam cùng tìm hiểu thêm thông tin, trao đổi song phương và đa phương với các nước khác, tìm hiểu thành công cũng như thất bại của các nước đi trước, để từ đó xây dựng chiến lược phù hợp nhất và đặc biệt quan trọng là đề ra được phương thức, các công cụ thực hiện để có thể đạt được Kinh tế xanh ở Việt Nam

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/quocte/2012/6/174673.cand