Hội nghị thượng đỉnh OAS: “Kết nối” nhưng bị… đứt

(PL&XH) - Đánh giá kết quả của hội nghị, báo "Miami Herald" của Mỹ cho rằng nước chủ nhà Colombia chính là bên chiến thắng lớn nhất tại hội nghị.

Người điều hành các cuộc thảo luận tại hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Colombia Maria Angela Holguin cho biết, các bên liên quan đã không đạt được sự đồng thuận về hai yêu cầu của các nước Mỹ Latinh, gồm: Cuba sẽ được tham gia vào các hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Mỹ Latinh trong tương lai; và đưa vào tuyên bố chung của các tổng thống một đoạn ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Falkland/Malvinas do Anh nắm giữ. Mỹ chính là nước phản đối cả hai yêu cầu này. Đáng chú ý là ngay cả Colombia, nước gần đây còn là một đồng minh của Mỹ, đã ủng hộ sự tham gia của Cuba vào các hội nghị thượng đỉnh tương lai. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã tuyên bố việc gạt bỏ Cuba cũng như lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba là không thể chấp nhận được.

Bên cạnh đó, sự vắng mặt được thông báo trước của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez với lý do đang phải điều trị bệnh ung thư, cũng như sự vắng mặt của Tổng thống Ecuador Rafael Correa cùng Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega - người dường như cố tình tẩy chay Hội nghị để bày tỏ tình đoàn kết với Cuba, đã khiến các thỏa thuận kinh tế cụ thể của Hội nghị Thượng đỉnh OAS không bị cản trở bởi những người chỉ trích Mỹ mạnh nhất này. Chính vì vậy, mặc dù không đưa ra được tuyên bố chung, các quan chức Mỹ và Colombia vẫn nhấn mạnh một cách vớt vát rằng Hội nghị là một thành công.

Ông Obama một lần nữa rời OAS mà chưa thể xích lại gần Mỹ Latinh Ảnh:TL

Đánh giá kết quả của hội nghị, báo "Miami Herald" của Mỹ cho rằng nước chủ nhà Colombia chính là bên chiến thắng lớn nhất tại hội nghị. Báo này cho rằng Tổng thống Obama đã không đề xuất được kế hoạch khu vực tham vọng nào, giống như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với châu Á - để có thể làm dấy lên những hy vọng ở khu vực. Còn khối các quốc gia dân tộc cấp tiến do Venezuela đứng đầu đã không có cơ hội chiếm lĩnh diễn đàn do vắng mặt ông Chavez. Nhưng Tổng thống Santos đã có được cơ hội.

Theo giới phân tích, Hội nghị Thượng đỉnh OAS lần thứ 6 một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh, bất chấp việc Tổng thống Obama cố gắng tìm kiếm những phương thức tiếp cận mới đối với khu vực từng được coi là "sân sau" của Washington. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh OAS thứ 2 mà Tổng thống Obama tham dự kể từ khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, cũng như Hội nghị năm 2009, mong muốn xích lại gần Mỹ Latinh của ông Obama đã không thể thực hiện được bởi lập trường trái ngược của các bên trong vấn đề Cuba tham dự Hội nghị OAS, cũng như chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Falkland/Malvinas. Thậm chí, lần này nhiều nước Mỹ Latinh đã thẳng thừng tuyên bố không tin tưởng rằng Tổng thống Obama có thể làm được gì để thay đổi mối quan hệ Mỹ Latinh, với điểm nhấn là tuyên bố chung của Hội nghị không được thông qua do thiếu sự đồng thuận.

Chuyên gia phân tích các vấn đề chính trị của trường Đại học Bogota, Fernando Giraldo cho rằng Hội nghị ở Cartagena cho thấy một khu vực Mỹ Latinh càng ngày càng rời xa nước Mỹ. Các nước này hành động một cách độc lập và tự chủ hơn rất nhiều, trong khi Mỹ không còn sức mạnh và quyền lực như trước khi đối diện với các nước trên. Tuy nhiên, trong các vấn đề trọng tâm, Mỹ lại không thay đổi cách hành xử, đặc biệt là trong việc phủ quyết sự tham gia của Cuba, cũng như im lặng trong vấn đề Falkland/Malvinas. Điều này giờ không còn mang lại lợi ích cho Mỹ khi tất cả các nước Mỹ Latinh đã đứng về một phía, đoàn kết và ủng hộ nhau hơn nhiều.

Minh Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2012041809184872p1003c1036/hoi-nghi-thuong-dinh-oas-ket-noi-nhung-bi-dut.htm