Hội nghị thượng đỉnh G20: Những khoảng cách còn lại

(TBKTSG) - Quyết định của Trung Quốc để cho đồng tiền được tăng giá dần dần so với đô la Mỹ mang lại niềm hy vọng mong manh cho hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ diễn ra cuối tuần này tại Toronto, Canada. Nhưng những thách thức khác, từ khủng hoảng nợ ở châu Âu đến việc cải cách sự điều hành ngành ngân hàng, sẽ là phép thử tính thống nhất của G20 khi tổ chức này chuyển dần từ kiểm soát khủng hoảng sang hợp tác kinh tế.

Thái Bình Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Pittsburgh, Mỹ, đã tạo được sự đồng thuận về các biện pháp kích cầu, ổn định hệ thống tài chính, tôn trọng các hiệp định thương mại và tăng vốn cho IMF nhưng hội nghị năm nay tại Toronto, Canada, khó mà vượt qua được các bất đồng. Châu Âu rơi vào tầm ngắm Hôm thứ Hai, một quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ nói rằng, công bố điều chỉnh chính sách tỷ giá của Trung Quốc đã làm thay đổi một cách đáng kể động lực của hội nghị G20, đưa ra khỏi nghị trình vấn đề được coi là trọng tâm nhất. Trong lúc vấn đề ngoại hối vẫn chưa được giải quyết dứt điểm - ông Geithner đã nhấn mạnh trong bài phát biểu hồi cuối tuần rằng phép thử là ở chỗ Trung Quốc sẽ đi xa đến đâu, đi nhanh đến đâu - quyết định của Trung Quốc cũng đã cho phép G20 tập trung vào châu Âu, nơi tăng trưởng kinh tế đang tụt hậu khá xa so với Đông Nam Á và Bắc Mỹ. Các quan chức G20 hôm thứ Hai nói rằng, có thể tốc độ và đường lối củng cố nền tài chính của châu Âu sẽ là đề tài thảo luận chính của hội nghị, cùng với ba vấn đề cấp bách liên quan tới việc đổi mới cơ chế điều hành - đó là, phải nâng cao tới mức nào yêu cầu về tiền vốn của các ngân hàng, làm sao giám sát tốt nhất việc mua bán sản phẩm tài chính phái sinh và có nên áp thuế các ngân hàng lớn hay không. Mỗi vấn đề này các nước G20 đều có những ý kiến và quan điểm trái ngược nhau cho nên hội nghị sẽ khó đạt tới một sự đồng thuận. Vấn đề đánh thuế lên hoạt động ngân hàng chẳng hạn, được Mỹ và phần lớn các nền kinh tế châu Âu ủng hộ trong khi Canada, Nhật và Úc phản đối mạnh mẽ. Kích cầu hay tiết kiệm? Đã có những áp lực ngày càng tăng buộc châu Âu phải giải quyết tình trạng nợ công và những vấn đề tài chính khác. Tuy nhiên, ngay trong vấn đề cốt tử này, quan điểm của châu Âu và Mỹ cũng đối lập nhau sâu sắc. Trong thư gửi các nhà lãnh đạo G20 tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama thúc giục các nền kinh tế không nên quá vội vã trong việc cân bằng ngân sách mà chỉ nên tính tới việc cắt giảm thâm hụt trong trung hạn. Điều đó có thể hiểu là, Mỹ muốn các nước G20 tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế thay vì thắt lưng buộc bụng, vì nếu châu Âu cắt giảm chi tiêu, kinh tế Mỹ sẽ bị tác động không nhỏ. Nhưng các chuyên gia chính trị của cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều nói rằng, biện pháp bơm tiền vào nền kinh tế của Mỹ chưa chắc tạo ra hiệu quả. Ông Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu tại Brussels, nêu vấn đề: “Ai cũng muốn có sự phục hồi bền vững nhu cầu của khu vực tư nhân, nhưng bằng cách nào? Bằng cách giữ thâm hụt cao theo cách của Mỹ hoặc bằng cách giảm thâm hụt ngay bây giờ để củng cố niềm tin của khu vực tư nhân như cách tiếp cận của châu Âu? Có ai biết mô hình nào có hiệu quả hơn?”. Cải cách hệ thống tài chính Ai cũng muốn có sự phục hồi bền vững nhu cầu của khu vực tư nhân, nhưng bằng cách nào? Bằng cách giữ thâm hụt cao theo cách của Mỹ hoặc bằng cách giảm thâm hụt ngay bây giờ để củng cố niềm tin của khu vực tư nhân như cách tiếp cận của châu Âu? Có ai biết mô hình nào có hiệu quả hơn? Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu tại Brussels Trong tuần này, dự kiến Quốc hội Mỹ sẽ hoàn tất việc kết hợp hai dự thảo luật về cải cách hệ thống tài chính mà Thượng viện và Hạ viện đã thông qua trước đây thành một đạo luật thống nhất, nhắm tới việc đại tu cơ cấu tài chính Mỹ thời hậu khủng hoảng. Tuy nhiên, để đạo luật này đi vào cuộc sống, Mỹ cần có sự đồng thuận của các nền kinh tế giàu có khác chung quanh các yêu cầu mới về tính thanh khoản, nâng cao tiêu chuẩn vốn của ngân hàng và đặt ra những hạn chế mới cho việc kinh doanh sản phẩm tài chính phái sinh. Cho đến nay, chưa hề có một sự đồng thuận như vậy. Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 tại Busan, Hàn Quốc hồi đầu tháng này cũng chưa giải quyết được những bất đồng sâu sắc giữa các nước, trong khi Hội đồng Basel về giám sát ngân hàng - một cơ quan điều hành toàn cầu về ngân hàng - quyết định hoãn đến cuối năm tới việc hoàn tất bộ tiêu chuẩn mới về vốn ngân hàng. Ông Daniel M. Price, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ George Bush tại hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11-2008, nhận định: “Ai cũng công nhận rằng, những luật lệ mới nhằm nâng cao số lượng và chất lượng tiền vốn mà các tổ chức tài chính nắm giữ là yếu tố cốt lõi trong nỗ lực cải tổ tài chính toàn cầu. Nhưng vẫn có sự bất đồng sâu sắc giữa các tổ chức tài chính và các cơ quan quản lý về những gì được coi là tiền vốn, tiền vốn được tính toán như thế nào và tác động kinh tế vĩ mô của những luật lệ này sẽ ra sao”. Vai trò của G20 Những bất đồng kể trên, cùng với thực tế rằng G20 tập hợp các nền kinh tế có những lợi ích rất khác nhau, khiến cho giới phân tích nhận định rằng sẽ phi thực tế nếu kỳ vọng G20 sẽ là “ủy ban chỉ đạo” kinh tế toàn cầu. Nicolas Véron, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Brussels, nhận xét: “G20 đã không làm được gì nhiều, cả trong lĩnh vực điều hành tài chính lẫn trong lĩnh vực hợp tác về kinh tế vĩ mô. Trong cuộc khủng hoảng châu Âu, G20 chẳng làm gì cả, mọi sự tùy thuộc vào EU và IMF”. Nhưng cũng có nhiều người đánh giá cao G20 như là sự tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra cuộc đối thoại toàn cầu chỉ trong một thời gian ngắn. G20 được hình thành năm 1999, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, lúc đầu nó chỉ tập hợp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, sau này Tổng thống Mỹ George Bush đã “nâng cấp” G20 thành diễn đàn cấp nguyên thủ quốc gia của các nền kinh tế lớn nhất. Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright cho rằng, lúc đầu có nhiều câu hỏi về khả năng tồn tại của tổ chức này, nhưng các hội nghị thượng đỉnh G20 tại London và Pittsburgh năm ngoái “là một bước tiến lớn trong việc tạo ra ý thức về một mục tiêu chung”. Trước G20, lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất tập hợp tại diễn đàn G8, cũng được khai sinh sau thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu do cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Năm nay, các nguyên thủ khối G8 cũng họp hội nghị tại Ontario, Canada trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy (25 và 26-6), ngay trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Toronto. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời, cho dù thời điểm tồi tệ nhất đã đi qua, thế giới vẫn cần phải hành động nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ để tránh một cuộc khủng hoảng kép. Trong thư gửi các nguyên thủ quốc gia G20, ông Obama nhấn mạnh: “Thực tế, nếu niềm tin vào sự phục hồi bị sút giảm, chúng ta phải sẵn sàng phản ứng nhanh và mạnh để tránh một cuộc suy thoái trong hoạt động kinh tế”. Có điều, với khoảng cách ngày càng xa giữa các nền kinh tế lớn nhất, hội nghị G20 khó mà đạt được mục tiêu đoàn kết, phối hợp để vực dậy kinh tế toàn cầu như kỳ vọng của mọi người ở mọi quốc gia. (Theo New York Times)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/thegioi/kinhtecacnuoc/36620/