Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân: Nga không tham dự, Mỹ lo sốt vó

Giới phân tích lo ngại, căng thẳng giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ sẽ cản trở những nỗ lực ngăn chặn khủng bố hạt nhân - và thậm chí làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu hạt nhân giữa hai cường quốc.

Việc Tổng thống Nga Putin (trái) không đến dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần này khiến người đồng cấp Mỹ Obama rất phật lòng. Ảnh: UPI

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân toàn cầu, đang diễn ra ở Washington, quốc gia với kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới - Nga - không tham gia.

Tờ Foreign Policy cho rằng, việc Moscow tẩy chay hội nghị này cho thấy rõ sự rạn nứt ngày càng lớn giữa Nga - Mỹ và dự báo về một kết cục khó lường khi chính nó có thể phá hủy triển vọng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai quốc gia sở hữu kho vũ khí lớn nhất nhì thế giới. Bởi lẽ, việc Nga vắng mặt làm dấy lên nghi vấn về khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay nhóm cực đoan IS cũng như các tổ chức khủng bố khác. Nhiều chuyên gia còn lo ngại, động thái này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu hạt nhân lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Nga thật sự có vai trò không thể thiếu trong chiến lược ngăn chặn khủng bố hạt nhân. Sự hợp tác của Mỹ-Nga hình thành nền tảng của những nỗ lực đột phá trong 2 thập kỷ qua để đảm bảo kho vũ khí được cất giữ an toàn trên toàn lãnh thổ Liên Xô cũ và ngăn chặn các hành vi trộm cắp vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử hoặc “bom bẩn”. “Nga đóng vai trò rất quan trọng. Việc thiếu Nga tại hội nghị lần này là một lỗ hổng lớn”, ông Tom Collina, Giám đốc chính sách của Quỹ Ploughshares - về an ninh toàn cầu - của Mỹ nhận định.

Nhà Trắng cũng đã chỉ trích quyết định này của Điện Kremlin, cho rằng, Moscow đã tự mình cô lập và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cựu Giám đốc về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Frank Miller thậm chí cho rằng, việc Nga từ chối tham dự hội nghị này làm vấn đề trở nên phức tạp thêm.

Trong bối cảnh tổng lượng vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ gộp lại chiếm 90% lượng uranium được làm giàu ở cấp độ cao và hơn 50% plutonium của thế giới, giới chức Mỹ lo ngại, việc thiếu sự hợp tác của Moscow đồng nghĩa với việc thiếu thông tin về những diễn biến hiện nay, sẽ gây cản trở những nỗ lực ngăn chặn khủng bố hạt nhân - và thậm chí làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu hạt nhân giữa hai cường quốc. Giới chức Mỹ thậm chí dẫn cuộc điều tra của AP năm 2015 cho thấy, thị trường chợ đen về nguyên liệu hạt nhân đang phát triển mạnh tại Moldova, nơi giới chức lo ngại những tổ chức tội phạm đang chuyển lậu các nguyên liệu phóng xạ ra khỏi Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả đã lo quá xa. Trong tuyên bố giải thích quyết định này, Điện Kremlin tuyên bố, “đại diện Nga không tham dự hội nghị tại Washington lần này vì chưa thấy được sự hợp tác giữa các bên. “Chúng tôi không thấy được sự hợp tác chắc chắn giữa các đối tác trong giai đoạn làm việc sơ bộ về các vấn đề và các chủ đề của hội nghị”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh. Moscow khẳng định, việc không tham dự hội nghị này không có nghĩa là Nga không tiếp tục hợp tác về vấn đề an ninh hạt nhân. “Nga và Mỹ tiếp tục thảo luận về các vấn đề an ninh hạt nhân”, ông Dmitry Peskov tuyên bố.

Tất nhiên, nguyên nhân mà Nga đưa ra có thể chỉ là “giọt nước làm tràn ly” mà thôi. Bởi theo các chuyên gia, Tổng thống Putin ắt hẳn đã có nước cờ chiến lược rõ ràng trước khi đi đến quyết định gây tranh cãi lần này. Theo họ, Điện Kremlin biết rõ nội dung bao trùm hội nghị lần này không phải là an ninh hạt nhân mà là chủ yếu là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhiều người cho rằng, ưu tiên bàn về hạt nhân Triều Tiên là không công bằng. Bởi nếu đúng như tên gọi, hội nghị an ninh hạt nhân là chỉ bàn về giải quyết an ninh hạt nhân, tức là bảo vệ vật liệu hạt nhân để chúng không bị đánh cắp.

Khả Anh

Mỹ-Nhật-Hàn cảnh báo Triều Tiên “không khiêu khích”

Ngày 1-4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc hội đàm chung với nhà lãnh đạo Hàn Quốc Park Geun-Hye và Nhật Bản Shinzo Abe, trong đó cam kết sẽ tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa gần đây.

Tại cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân đang diễn ra tại Washington, lãnh đạo 3 quốc gia đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn từ cộng đồng quốc tế nếu tiếp tục khiêu khích. Trong khi đó, tại cuộc họp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Obama tuyên bố muốn nhìn thấy Bắc Kinh “thực hiện đầy đủ” các biện pháp trừng phạt mới nhất của LHQ đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ mọi phía, Triều Tiên hôm 1-4 lại tiếp tục phóng một tên lửa tầm ngắn đất đối không vào vùng biển phía đông. Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un thậm chí cảnh báo sẽ không tha thứ cho hành động lục soát tàu nước này, được thực hiện theo các biện pháp trừng phạt mới của LHQ. Bình Nhưỡng cáo buộc hành động này là “chà đạp nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sự công bằng”.

T.Linh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_146503_ho-i-nghi-thuo-ng-di-nh-an-ninh-ha-t-nhan-nga-khon.aspx