Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Chính sách ban hành tốt song khâu thực thi còn yếu

Hội nghị Thủ tướng với DN được tổ chức vào ngày 17/5 đã đón nhận rất nhiều ý kiến của DN, hiệp hội DN trong và ngoài nước, với mong muốn sẽ được các cơ quan, bộ, ngành ghi nhận và cải thiện tạo thuận lợi cho DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Vẫn là khâu thực thi

Nhìn chung, tại hội nghị, các DN đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, DN còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là gánh nặng chi phí, đây là vấn đề khiến DN "đau đầu" từ lâu nay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận xét, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải "đi đêm", "chung chi", theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”, ông Thân nêu rõ.

Đặc biệt, phản ánh về tình hình phục vụ DN của cán bộ hành chính, ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, các DN phản ánh 50% cán bộ đi chơi, ít để ý đến công việc. Vì thế, ông Đệ kiến nghị Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để tránh việc mua quan bán chức, chạy chọt công chức, đảm bảo chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Để giảm chi phí cho DN, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) đề nghị hỗ trợ DN nhỏ và vừa bằng cách sửa đổi các điều khoản hạn chế quảng cáo trên mạng Internet trong Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo; cần thận trọng xem xét mở rộng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có đem lại lợi ích thật sự cho người lao động này hay không?

Hỗ trợ kinh tế tư nhân

Có thể nói, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Với tỉ trọng đóng góp cho GDP lên tới 40%, để nâng tầm vị thế hơn nữa cho kinh tế tư nhân, các DN đều bày tỏ mong muốn lời nói sẽ đi đôi với hành động, “trên bảo dưới nghe”. Bởi sau 1 năm triển khai các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực vẫn chưa có sự chuyển biến hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG mong muốn Chính phủ sẽ sớm có những nghị định, văn bản để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, tạo điều kiện hỗ trợ các DN thuộc khối kinh tế tư nhân hoạt động kinh doanh, phát triển bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác tại Việt Nam.

Bà Nga cũng kiến nghị cần có các hành lang pháp lý, các quy định, văn bản cụ thể để DN được bảo vệ, không hình sự hóa các vi phạm kinh tế của DN và DN có cơ hội được khắc phục nếu có sai sót.

Cũng về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng, để tận dụng được làn sóng FDI thời gian gần đây, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố môi trường, vấn đề liên kết của DN Việt với DN FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam không thể chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ để cạnh tranh với FDI mà cần phải biết thế mạnh của mình là gì và đầu tư công nghệ để phát triển cạnh tranh bền vững ở những ngành này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, Chính phủ đã triển khai hàng chục chương trình hỗ trợ DN, nhưng còn thiếu tính liên kết. Do đó, Hiệp hội đề nghị cần chuyển giao việc thực hiện một số dịch vụ công cho các hiệp hội, qua đó giảm chi phí cho DN, giảm chi tiêu ngân sách nhà nước và nâng cao năng lực của của các hiệp hội.

Nói về khó khăn của ngành chăn nuôi vừa qua, ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương, VCCI vào cuộc kết nối với các tổ chức, DN tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi tiến đến xuất khẩu thực phẩm; hỗ trợ vay vốn và giao đất thời gian dài cho những người làm trang trại vì hiện nay những người làm trang trại được vay vốn rất ít và chỉ được giao trong thời gian ngắn nên dù nhiều DN lớn muốn dầu tư vào ngành chăn nuôi nhưng sợ rủi ro nên họ không đầu tư.

Kiến nghị về bất cập của Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, ông Nguyễn Hữu Đệ cho rằng, không nên cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công, vì hậu quả là trong tương lai đây chính là vấn đề tham nhũng, chia chác, gây thất thoát cho nguồn lực của Nhà nước.

Ngoài ra, tại hội nghị, các DN còn nêu lên những kiến nghị về các cơ chế pháp lý trong giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, nhân lực… Các Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam lại kiến nghị về việc tháo gỡ rào cản phi thuế quan; cũng như việc tăng cường tính minh bạch, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hoi-nghi-thu-tuong-voi-doanh-nghiep-nong-nhieu-van-de-sat-suon.aspx