Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL

Ngày 4/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã Chủ trì Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương nằm trong vùng ĐBSCL.

Vùng ĐBSCL có diện tích khoảng 40.604,7km², đường biên giới với Campuchia dài 330km, đường bờ biển dài 700km, trong đó vùng biển thuộc chủ quyền là 360km². Việc điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL nhằm phát huy và nâng cao vai trò vị thế của vùng ĐBSCL trong vùng quốc gia và quốc tế, đồng thời để kết nối với các chiến lược phát triển mới, tích hợp quy hoạch kinh tế xã hội, các quy hoạch chuyên ngành, kết nối các dự án phát triển của vùng ĐBSCL và các tỉnh thành trong vùng.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch còn đáp ứng yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục các hạn chế trong định hướng quy hoạch và thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần giải quyết các tồn tại và bất cập trong thực trạng phát triển vùng ĐBSCL.

Sự màu mỡ kỳ diệu của sông nước ĐBSCL đã tạo cho vùng trở thành vựa lúa của cả nước. Chế độ gió mùa kế hợp với ngập nước tạo nên sự thay đổi đa dạng cảnh quan nông nghiệp, rừng và sông nước của vùng. Các mạng lưới giao thông mới hứa hẹn sẽ đem lại kết nối thực sự cho vùng ĐBSCL trong tiểu vùng sông Mê Kông. Khi hoàn thành hệ thống này sẽ hỗ trợ tăng cường mạng lưới hợp tác quốc tế và sự phát triển đồng bộ của khu vực.

Theo đồ án điều chỉnh, ĐBSCL xác định nước vẫn sẽ là thuộc tính cốt lõi và hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của vùng. Điều này bao gồm nâng cấp, mở rộng, thích ứng và hiện đại hóa mang tính hệ thống các cơ sở hạ tầng nước như giao thông thủy, hệ thống cấp nước sạch, thủy lợi, trữ nước, ngăn mặn và các công trình làm nước sạch. Sự tương tác của đất và nước tạo ra sự màu mỡ kì diệu cho vùng ĐBSCL, đây là nguồn tài nguyên chính yếu của vùng. Vận mệnh tự nhiên, tất yếu và bền vững của vùng là một vùng tập trung và chuyên môn hóa về nông nghiệp, thủy sản và các ngành kinh tế biển.

Tầm nhìn về nhu cầu cân bằng giữa kinh tế và sinh thái, chế biến tại địa phương các sản phẩm nông – lâm nghiệp và thủy sản cũng được vùng quan tâm. Sự phát triển bền vững và thông minh có nghĩa là gắn kết sư phát triển vào các đặc thù riêng về môi trường của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp ĐBSCL.

Vấn đề biến đổi khí hậu vừa là mối đe dọa nhưng cũng là cơ hội đối với vùng ĐBSCL. Một sự thay đổi chính sách từ việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cứng sang các phương tiện tự nhiên, đồng thời phục hồi các hệ sinh thái và tạo cơ hội gắn kết cho các ngành kinh tế mới bền vững.

Theo định hướng quy hoạch, để phát triển bền vững, ĐBSCL hướng đến hạn chế lấy mất đất nông nghiệp. Các khu vực phát triển đô thị và công nghiệp cần phải được định hướng lại, nhằm ngăn chặn việc tiếp tục lấy mất không cần thiết nguồn tài nguyên giá trị nhất vùng. Các đô thị phải bắt đầu phát triển nén lại chứ không được tiếp tục mở rộng thêm ra.

Vùng ĐBSCL có dòng dịch cư lớn khỏi vùng diễn ra từ khá lâu, điều này không phải đáng lo lắng mà đó là một quá trình tự nhiên. Vùng ĐBSCL phát triển kinh tế trong khuôn khổ cân bằng sinh thái, kinh tế cho phép và theo cách thức này để bảo vệ tương lai của vùng. Về tầm nhìn phát triển hạ tầng đặc thù, vùng ĐBSCL sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển từ đầu tư đường bộ sang đường thủy.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia phản biện và góp ý của đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã được đưa ra nhằm hoàn thiện đồ án điều chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, phát huy ưu điểm, cũng như chỉ ra định hướng phát triển vùng. Các ý kiến này sẽ được nhóm tư vấn nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa và nhanh chóng hoàn thiện đồ án để trình lên cấp cao hơn.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định, để tạo điều kiện phát triển cho vùng ĐBSCL, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở đó Bộ Xây dựng đã có công văn giải trình, tổ chức buổi thẩm định. Cơ quan tư vấn lập đề án đã tuân thủ các nội dung, nhiệm vụ yêu cầu được thủ tướng phê duyệt.

Thứ trưởng đánh giá cơ quan lập đề án đã có sự nghiên cứu nghiêm túc và công phu, có sự lắng nghe ý kiến của các địa phương, các chuyên gia thông qua các hội thảo chuyên ngành để có sự tiếp thu theo từng giai đoạn.

Thứ trưởng cũng đề cao những ý tưởng được đưa ra trong đề án, như việc nêu rõ lợi thế của vùng ĐBSCL trong kết nối mạng lưới đường thủy, xu thế phát triển vùng và sử dụng hiệu quả tài nguyên trên cơ sở đánh giá hiện trạng. Về nội dung, đồ án đã đánh giá đầy đủ và toàn diện về các điều kiện; có đánh giá về mô hình quy hoạch, các dự báo để làm cơ sở các đề xuất căn cứ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho phù hợp.

Hà Đào

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/hoi-nghi-tham-dinh-dieu-chinh-quy-hoach-xay-dung-vung-dbscl.html