Hội nghị OPEC+ phủ bóng triển vọng kinh tế toàn cầu

Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) được cho là đang xem xét khả năng cắt giảm sản lượng dầu lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày vào tuần này đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.

Thông tin nêu trên nổi lên trong bối cảnh giá dầu thời gian gần đây đã bắt đầu hạ nhiệt. Giới chuyên gia đánh giá, nếu OPEC+ tiếp tục phớt lờ sức ép và những lời kêu gọi của phương Tây để đưa ra quyết định nhằm hướng tới giữ giá dầu ở mức cao, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi nhiều nước đang đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt.

Nếu OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu đến 1 triệu thùng/ngày, triển vọng kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều bất ổn. Nguồn: Shutterstock.

Euronews ngày 3/10 đưa tin, Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 33 sẽ diễn ra vào ngày 5/10 tới tại trụ sở Ban Thư ký OPEC, Thủ đô Vienna, Áo. Đây sẽ là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của tổ chức này kể từ hồi tháng 3/2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh giá dầu đã giảm mạnh trong tháng trước do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và sự phục hồi của đồng USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.

Thực tế, giá dầu mỏ thế giới đã tăng lên gần 140 USD/thùng hồi tháng 3 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng đến cuối tháng 9 đã giảm xuống còn khoảng 80 USD/thùng. Do vậy, một nguồn thạo tin của Euronews tiết lộ rằng chủ đề chính của hội nghị lần này là việc OPEC+ sẽ xem xét khả năng cắt giảm sản lượng dầu lớn, nhằm giải quyết sự suy yếu của thị trường dầu mỏ.

Theo Wall Street Journal, liên minh OPEC+ có thể cắt giảm tới hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 1% nguồn cung toàn cầu, mức giảm sản lượng lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19. Được biết, ngay sau thông tin này, giá dầu thô đã tăng hơn 4% ở châu Á trong các giao dịch chiều 3/10. Cụ thể, giá dầu thô WTI giao sau tăng 4,5% lên 83,06 USD, và dầu Brent tăng 4,4% lên 88,83 USD mỗi thùng.

Chuyên gia phân tích về năng lượng của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) Suvro Sarkar nhận định nhiều khả năng giá dầu sẽ còn tăng hơn nữa. “Chỉ là vấn đề thời gian trước khi giá dầu trở lại mức 100 USD/thùng, đặc biệt khi nguồn cung sẽ ít đi trong thời gian từ nay đến cuối năm”, ông Sarkar nói.

Đồng quan điểm với ông Sarkar, chuyên gia phân tích dầu mỏ tại Energy Aspects Amrita Sen nhận định: “Một đợt cắt giảm sản lượng lớn không những làm tăng giá dầu vượt biểu đồ mà còn có nguy cơ gây thêm cú sốc mới cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải chống chọi với lạm phát”.

Tờ CNBC của Mỹ nhận định, khi mùa Đông đang đến gần và OPEC+ nhất quyết phớt lờ những lời kêu gọi từ phương Tây, giá dầu có thể “tăng đột biến”. Giá dầu cao có thể làm tăng cả những thách thức trong chuỗi cung ứng mà một số ngành công nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chỉ mới bắt đầu phục hồi.

Báo cáo gần đây của Goldman Sachs, một trong những ngân hàng có ảnh hưởng nhất trên thị trường hàng hóa, nhân định rằng thâm hụt cung - cầu thị trường dầu toàn cầu hiện nay lớn hơn dự kiến bởi nhu cầu phục hồi đang tăng nhanh hơn so với dự đoán nguồn cung. Với tình hình này, gánh nặng giá nhiên liệu đối với người dân sẽ tăng cao, tác động mạnh mẽ đến tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng - hai động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giới quan sát đánh giá, việc cắt giảm sản lượng dầu lên tới 1 triệu thùng/ngày, nếu xảy ra, sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải đau đầu vì chi phí năng lượng tăng phi mã là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, gây ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là đối với các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU).

Được biết, các nhà lãnh đạo của châu Âu sẽ thảo luận về các biện pháp tiếp theo để kiềm chế giá năng lượng tăng cao khi nhóm họp vào ngày 7/10 tới tại Thủ đô Praha, Cộng hòa Czech.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, mục tiêu chính của EU hiện nay là đảm bảo an ninh về nguồn cung cấp và giá năng lượng hợp lý cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đặc biệt là khi mùa Đông lạnh giá đến gần. Các Bộ trưởng Năng lượng của các nước EU đã thông qua một loạt chính sách mới hôm 30/9 nhằm cố gắng giảm chi phí năng lượng cao, bao gồm cả thuế lợi nhuận thu được đối với các công ty năng lượng.

Tuy nhiên, các quốc gia đang chia rẽ về việc phải làm gì tiếp theo, trong đó nhiều quốc gia kêu gọi mức trần giá khí đốt trên toàn EU, nhưng những quốc gia khác, bao gồm cả cường quốc kinh tế của châu Âu là Đức, lại phản đối. Trong một diễn biến có liên quan, EU được cho là đang xem xét giảm trừ trừng phạt nhằm vào vận chuyển dầu Nga. Theo nguồn tin của Bloomberg, EU đã đề xuất miễn trừ hoạt động của hoa tiêu hàng hải khỏi các lệnh trừng phạt đối với các tàu chở dầu của Nga.

Hoa tiêu hàng hải là dịch vụ dẫn tàu vận tải khi tàu ra vào cảng hoặc di chuyển trong khu vực của cảng hay hành trình trong khu vựccó độ phức tạp nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền viên và hàng hóa. Quyết định miễn trừ sẽ cho phép các chủ tàu vận chuyển thuê hoa tiêu hàng hải cho các tàu chở dầu của Nga, điều vốn bị cấm theo lệnh trừng phạt hiện hành có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Linh Đan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/hoi-nghi-opec-phu-bong-trien-vong-kinh-te-toan-cau-i669691/