Hội nghị Ngoại trưởng G7: Buổi tổng duyệt cam kết an ninh của các thành viên

Sau khi Hội nghị Ngoại trưởng G7 bế mạc ngày 18/4, những vấn đề an ninh mang tính liên khu vực từ châu  - Đại Tây Dương cho tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cơ bản đã được thống nhất, tạo cơ hội cho một Tuyên bố chung đươc đưa ra thuận lợi tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 5 tới tại Hiroshima, Nhật Bản

Giải tỏa mâu thuẫn từ các cuộc xung đột

Trong phiên thảo luận chính ngày hôm qua (17/4), Ngoại trưởng các nước G7 đã thảo luận sâu về xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, các ngoại trưởng đã thống nhất được nội dung quan trọng là tiếp tục viện trợ cho Ukraine và thực hiện một cách nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đồng thời phê phán mạnh mẽ việc Nga trang bị vũ khí hạt nhân cho Belarus.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 được tổ chức ở tỉnh Nagano, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nhật Bản, nước chủ nhà G7 năm nay, ông Hayashi Yoshimasa nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh chiến tranh ngày càng có xu hướng kéo dài, việc duy trì và thực hiện các cam kết của các nước có cùng chí hướng mà đầu tiên là các nước G7 là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi tại khu vực Nam bán cầu là quan trọng.

“Nam bán cầu” thường được dùng chỉ chung các nước đang phát triển ở Nam và Trung Mỹ, châu Phi cùng châu Á. Những năm gần đây, cụm từ này được sử dụng thay cho khái niệm “thế giới thứ ba”, vốn để chỉ tất cả quốc gia không đứng về phía nào trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, từ góc độ bối cảnh hiện tại, các nước G7 lo ngại, các chất bán dẫn có khả năng dùng trong quân sự do Nga điều phối bằng cách đi qua các nước Nam bán cầu có thể là mối nguy hại trong trường hợp Nga điều động kinh phí chiến tranh. Do đó, họ đã thống nhất được trong Hội nghị lần này sẽ có những biện pháp xử lý thích hợp đối với việc cung cấp vũ khí vào Nga từ các nước “thứ ba”. Điều này không rõ ràng như một biện pháp trừng phạt bằng “giấy trắng mực đen” nhưng nó giống như gọng kìm siết chặt với Nga.

Đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, là nước chủ nhà, Nhật Bản coi hợp tác với Ấn Độ không thể thiếu trong việc duy trì trật tự quốc tế. Năm nay, Ấn Độ là nước Chủ tịch Hội nghị G20 dự kiến tổ chức vào tháng 9, do đó, các nước mới nổi và đang phát triển có nhiều cơ hội phát ngôn. Mặt khác, Ấn Độ đang trở thành chìa khóa cho các nước G7 khi nước này đang có những mâu thuẫn trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề biên giới. Nhưng trong xung đột Nga-Ukraine, Ấn Độ vừa viện trợ nhân đạo cho Ukraine, vừa không chỉ trích Nga, không phản đối Nga. Câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ có thể làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột này hay không, để vừa có thể duy trì quan hệ với Nga, lại làm “đẹp lòng” các nước coi Ấn Độ là thành phần không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Như vậy, trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng G7 là thống nhất được quan điểm chung tiếp theo về xung đột Nga-Ukraine, nhưng cũng xem xét làm thế nào để hài hòa các cuộc đàm phán, hay sử dụng quốc gia trung gian làm giảm bớt căng thẳng. Những vấn đề này sẽ được đưa vào nội dung Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức vào tháng 5 tới đây tại Hiroshima, Nhật Bản.

Buổi tổng duyệt các cam kết về an ninh

Trong hoàn cảnh hiện tại, các nước G7 phải có những bước đi mạnh mẽ nhằm giải quyết những thách thức an ninh mang tính toàn cầu, trong đó có thách thức an ninh thể hiện ở ứng xử của các nước G7 với Trung Quốc mà trọng tâm là Nhật Bản và Mỹ, cũng như quan hệ của các nước Mỹ, châu Âu xung quanh xung đột Nga-Ukraine.

Lập trường Nhật Bản nhắc lại rất nhiều lần trong các diễn đàn quốc tế là mong muốn các thành viên G7 thống nhất quan điểm phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng quân sự tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Mỹ đương nhiên ủng hộ lập trường này. Ngoại trưởng các nước G7 tối 16/4 vừa qua cũng đã thống nhất phản đối hành vi trên, đồng thời xác nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.

Nhật Bản cho rằng cần tăng cường hợp tác với các nước Nam bán cầu. Theo Tokyo, nếu không chú ý tới khu vực này thì Nhật Bản và các đồng minh có thể trở thành “nhóm thiểu số” và không thể giải quyết nhiều vấn đề. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi từ đầu tháng 1 cũng đã đến thăm 4 nước Mỹ Latin, trong đó có Brazil và Argentina. Năm ngoái, ông Hayashi còn thăm các quốc gia Trung Á, Ðông Nam Á, châu Phi và khu vực Thái Bình Dương. Nhật Bản đã mời Brazil tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 5 này tại Hiroshima để thảo luận hợp tác về vấn đề lương thực và năng lượng.

Như vậy, Hội nghị Ngoại trưởng G7 như giống như một buổi tổng duyệt về các cam kết của các thành viên liên quan đến các vấn đề an ninh quan trọng theo đề xuất của nước chủ nhà.

Nỗ lực xây dựng không khí hòa bình

Trong một phát biểu trước khi khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G7, Ngoại trưởng Nhật Bản, Hayashi Yoshimasa nhấn mạnh rằng, hội nghị này sẽ thúc đẩy mối quan hệ cá nhân tin tưởng giữa các ngoại trưởng, đồng thời là cơ hội tăng cường mối quan hệ tin tưởng giữa các thành viên.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị, hầu như các vấn đề quan trọng đã được thống nhất. Đây là tiền đề cho sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới.

Trong bữa tiệc chào đón các Ngoại trưởng G7 vào tối 16/4 tại khách sạn Mampei, tỉnh Nagano, Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ và Pháp đã được Ngoại trưởng Nhật Bản tặng chiếc bánh táo do khách sạn này làm. Khách sạn này cũng chính là nơi trước kia nghệ sĩ người Anh John Lennon từng lưu lại. Nghệ sĩ này rất nổi tiếng với ca khúc Imagine, trong đó lời bài hát khuyến khích người nghe hãy tưởng tượng về một thế giới hòa bình, không vật chất, các quốc gia không ngăn cách bởi biên giới và tôn giáo. Đây là không khí không chỉ cần hướng tới ở Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới mà còn ở cả các Hội nghị khác./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hoi-nghi-ngoai-truong-g7-buoi-tong-duyet-cam-ket-an-ninh-cua-cac-thanh-vien-post1014604.vov