Hội nghị hòa bình Ukraine: Kiev nỗ lực vận động khối BRICS

Hội nghị ở Saudi Arabia được xem là nỗ lực của Kiev và phương Tây nhằm tiếp cận, vận động sự ủng hộ của các nước BRICS lập trường hòa bình Ukraine.

Hai ngày cuối tuần rồi tại TP Jeddah (Saudi Arabia) diễn ra hội nghị hòa bình Ukraine. Tham dự có phái đoàn hơn 40 nước, ngoài phần đông là các nước phương Tây (Mỹ, một số nước châu Âu) còn có các thành viên của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS, theo hãng tin Reuters.

Hãng tin AFP nhận định các nhà tổ chức đã thành công khi tập hợp đại diện của bốn thành viên có ảnh hưởng lớn trong khối BRICS bên cạnh Nga là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc (TQ) và Nam Phi. Dẫn đầu các phái đoàn phần lớn là các cố vấn an ninh quốc gia. Riêng dẫn đầu phía TQ là đặc phái viên Lý Huy, phụ trách các vấn đề Á-Âu. Nga không được mời.

Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích hội nghị là nỗ lực thành lập một “liên minh chống Nga”. Hãng thông tấn RIA Novosti trích dẫn các nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga rằng Saudi Arabia đã nói với Moscow rằng sẽ cung cấp cho Nga kết quả hội nghị.

Ukraine, phương Tây tranh thủ các nước Nam bán cầu

Hội nghị là một phần trong nỗ lực ngoại giao của Ukraine nhằm tập trung thêm sự ủng hộ ngoài những nước phương Tây, tiếp cận các quốc gia Nam bán cầu vốn trước nay vẫn giữ thế trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. Ukraine và các đồng minh hy vọng từ hội nghị này sẽ dẫn đến thỏa thuận về các nguyên tắc chính nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận có sự khác biệt quan điểm giữa các nước tham dự nhưng cho rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải được khôi phục. Ông Zelensky nói rằng 42 quốc gia có đại diện tại Jeddah đang thúc đẩy công thức hòa bình 10 điểm Ukraine, trong đó kêu gọi Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục biên giới của Ukraine - bao gồm Crimea.

Reuters dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu mô tả hội nghị diễn ra tích cực và có “thỏa thuận rằng tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và (chủ quyền) của Ukraine cần phải là trung tâm của bất kỳ giải pháp hòa bình nào”.

Tại hội nghị, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval nhắc lại quan điểm và cách tiếp cận của nước này “đã và sẽ luôn là thúc đẩy đối thoại và ngoại giao” vì “đây là con đường duy nhất hướng tới hòa bình”. Theo ông Doval, Ấn Độ ủng hộ trật tự toàn cầu dựa trên các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả quốc gia phải được duy trì không có ngoại lệ. Ông Doval cho biết Ấn Độ vẫn là một đối tác tích cực, sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp toàn diện, lâu dài cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, theo tờ Hindustan Times.

Như dự đoán của giới quan sát, hội nghị không có tuyên bố chung. Phía Saudi Arabia trình bày kế hoạch đàm phán tiếp theo, lập các nhóm làm việc để thảo luận về các vấn đề như an ninh lương thực toàn cầu, an toàn hạt nhân và phóng thích tù nhân. Ông Zelensky hy vọng sẽ có một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo toàn cầu về hòa bình cho Ukraine vào mùa thu.

Người mẹ Natalie Zaichenko, 60 tuổi, thăm mộ con trai là một binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong xung đột với Nga tại Kiev (Ukraine) vào ngày 3-8. Ảnh: AP

Chưa thấy triển vọng đàm phán Nga - Ukraine

Ngay từ khi hội nghị chưa diễn ra, giới quan sát không kỳ vọng cao rằng sẽ có đột phá ngoại giao. Chuyên gia Ayham Kamel về Trung Đông và Bắc Phi tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) nhận định hội nghị sẽ không đưa tới các cuộc đàm phán hòa bình có khả năng chấm dứt cuộc chiến “trong tương lai gần”.

AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết “các nỗ lực đang tập trung tạo điều kiện cho một cuộc đàm phán hợp lệ”. Tuy nhiên phía Ukraine, Nga và quốc tế đều thừa nhận hiện tại không có triển vọng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga, trong bối cảnh chiến sự đang ác liệt.

Tuy thế theo chuyên gia Kamel, hội nghị lần này “xây dựng một nền tảng cho sự tham gia mang tính xây dựng hơn giữa phương Tây và các nước đang phát triển ở Nam bán cầu”.

Mặc dù ý tưởng đàm phán hòa bình vào thời điểm này có vẻ còn quá sớm nhưng phía Mỹ tin rằng các nước Nam bán cầu (TQ, Ấn Độ…) có khả năng tác động đến quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, theo đài CNN. Phía Mỹ cũng cho rằng việc các nước Nam bán cầu tăng tương tác với Ukraine sẽ có lợi cho tiến trình đàm phán hòa bình.

GS Wang Yiwei, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân TQ, cho rằng sự tham dự của ông Lý Huy thể hiện quyết tâm của TQ trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine. GS Wang lạc quan rằng “TQ có thể đóng vai trò là cầu nối để truyền đạt quan điểm của cả hai bên”, tìm kiếm điểm chung với các quốc gia khác và hợp tác với Nga để đồng ý ngừng bắn sớm.•

Tại sao lại là Saudi Arabia?

Một băn khoăn là tại sao hội nghị hòa bình Ukraine lại diễn ra ở Saudi Arabia. Saudi Arabia là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới hợp tác chặt chẽ với Nga về chính sách dầu mỏ, có quan hệ của mình với cả Nga và Ukraine, xem mình là một trung gian hòa giải, theo Reuters.

Bên cạnh đó, theo nhiều quan chức và nhà phân tích phương Tây, Saudi Arabia được chọn làm nơi tổ chức để đảm bảo sự tham gia của TQ. TQ không tham gia hội nghị tại Copenhagen vào tháng 6. Quan hệ giữa Saudi Arabia và TQ phát triển trong năm qua, khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến thăm Riyadh vào tháng 12-2022 và Saudi Arabia tìm cách gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do TQ đứng đầu. Tháng 3, Bắc Kinh làm trung gian nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-kiev-no-luc-van-dong-khoi-brics-post745687.html