Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ Nhất: Năng lượng của sự có mặt

Nếu tính mốc thời gian từ tháng 10 năm 2012, ngày mà lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt nhà văn cao tuổi tại Hà Nội, với hơn 100 nhà văn cao tuổi ở khu vực phía Bắc, trong tổng số hơn 200 nhà văn cao tuổi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc trên cả nước tại thời điểm đó tới dự, thì đến Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ Nhất này, có nhiều cây đại thụ văn chương buổi đó đã đi xa, rất xa.

Cuộc hội ngộ của các nhà văn cao tuổi bây giờ dường như chỉ còn là cuộc hội ngộ của thế hệ nhà văn chống Mỹ. Một thế hệ vừa bước vào đời cho đến hết tuổi thanh xuân đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu của nhân dân, hồ hởi dấn thân cho lý tưởng, một thế hệ mất còn không cần toan tính, một thế hệ khẳng khái "Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình"… giờ đây đều đã ở vào lứa tuổi xưa nay hiếm, thời gian và tác phẩm chất chồng trên vai đã đưa họ thành những bậc lão thành; gặp nhau bên cạnh những ồn ào hồ hởi của tri kỷ, liên tài; thì cũng không ít những lẳng lặng, trầm ngâm…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu.

Trước khi bước vào Hội nghị, bao nhiêu đắn đo, cân nhắc đã được đặt ra ngay từ khâu lựa chọn đại biểu. Trong Thư của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam gửi các nhà văn hội viên lão thành, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội đã viết: "… Mỗi nhà văn lão thành là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đều mang đến những giá trị riêng biệt trong sự nghiệp sáng tạo của mình để cùng làm lên giá trị chung của một nền văn học. Ban Chấp hành mong muốn được chào đón tất cả các nhà văn lão thành tại hội nghị này. Nhưng với quá nhiều khó khăn về điều kiện tổ chức, Ban Chấp hành Hội Nhà văn chỉ có thể tổ chức được hội nghị đại biểu…".

Và thế là cuối cùng danh sách gần 300 đại biểu và khách mời, trong đó có 250 đại biểu chính thức, đã được chọn ra để có mặt tại Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng, quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng, tham dự Hội nghị, vào đúng dịp Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 năm nay.

Tất nhiên vì nhiều lý do, một số đại biểu đã không có mặt, song điểm qua những mái đầu khả kính, những cái tên đã trở nên quen thuộc trên văn đàn từ nửa thế kỷ qua, thì thấy sự nỗ lực của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, các cơ quan ban ngành, các nhà tài trợ đã đồng hành trong sự kiện này quả thực đã thể hiện một ứng xử văn hóa, một thái độ trân trọng với văn chương và với con người, và điều đó đã đem lại cho các nhà văn không chỉ ở bậc lão thành một cuộc hội ngộ với những niềm vui ấm áp…

Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Khánh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Thành ủy Hải Phòng; cùng nhiều vị lãnh đạo và đại diện các cơ quan của Trung ương và thành phố Hải Phòng đến tham dự. Các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi hoa chúc mừng Hội nghị.

Trong diễn văn khai mạc, sau khi bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà văn cao tuổi; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội, đã xúc động bày tỏ sự ngưỡng mộ, biết ơn đối với các thế hệ nhà văn cao tuổi đã cống hiến tài năng của mình để góp phần vào sự phát triển nền văn học nước nhà, bồi đắp, làm giàu thêm cho tâm hồn người Việt, cùng giá trị văn hóa nhân văn của dân tộc; cũng như góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước.

Bài diễn văn có đoạn: "Văn học Việt Nam giống như dòng chảy của một con sông lớn. Một dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ và luôn hướng về biển lớn, thế hệ nước hôm nay tiếp thế hệ nước trước đó để tạo ra vẻ đẹp huy hoàng của dòng sông. Cũng như thế hệ nhà văn này tiếp thế hệ nhà văn khác tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học. Mỗi thế hệ nhà văn luôn tiếp nhận giá trị và sự truyền cảm của thế hệ nhà văn đi trước…".

Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một Hội nghị dành riêng cho các nhà văn lão thành. Hầu hết các nhà văn có mặt hôm nay đều là những người được sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong số họ nhiều người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt, thường xuyên đối mặt với đạn bom, cái chết. Từ thực tiễn sinh động của cách mạng và kháng chiến, bằng tài năng và sự dấn thân, họ đã viết nên những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật và thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, đồng hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, gây được sự chú ý của công chúng nghệ thuật. Họ thực sự đã trở thành những tấm gương lao động nghệ thuật cao đẹp về nhân cách và tài năng, xứng đáng được tôn vinh và ngưỡng mộ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trong bài phát biểu tại hội nghị, sau khi bày tỏ sự vui mừng vì đã thực hiện được lời hứa một năm về trước, khi ông còn giữ cương vị Thường trực Ban Bí thư, là sẽ tham dự hội nghị các nhà văn cao tuổi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức; đã đánh giá: "Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của Nhân dân, của đất nước và của Đảng, đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của Nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh...".

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của các nhà văn mang nhịp đập trái tim của dân tộc mình, của thời đại mình và đồng thời phản ánh chân thật, sâu sắc về con người; góp phần khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có tình thương yêu con người vô hạn, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của Nhân dân…".

Cuối cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: "Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Đáp lại tình cảm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành cho các nhà văn nói chung và các nhà văn lão thành tại Hội nghị lần này, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng các nhà văn nhà thơ trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, sau lời cảm tạ, đã trân trọng tặng Chủ tịch nước một món quà đầy tính văn hóa. Đó là ấn bản đặc biệt cuốn sách Một con người, một con đường và một lịch sử - Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành

Trong hầu hết những sự kiện, những cuộc gặp gỡ của các nhà văn, những điều đáng nhớ, đáng ghi nhận thường nằm ở những hàm ngôn, những câu chuyện bên lề chứ không phải chỉ ở những bản tham luận, những ý kiến đăng đàn. Bên lề hội nghị lần này, cũng như ở tất cả những cuộc hội ngộ văn chương khác, bên cạnh những cái ôm, cái bắt tay, những câu chuyện thân tình của những người đồng nghiệp, thì một trong những việc thường thấy ở các nhà văn là tặng sách. Với nhà văn, sách không chỉ là sản phẩm của lao động, mà còn được xem như một thứ "năng lượng của sự có mặt". Ở nhà văn cao tuổi, điều này càng có ý nghĩa. Tuổi tác và sức khỏe là nguyên nhân hạn chế để các nhà văn có dịp gặp gỡ nhau. Tặng sách cho nhau, với họ không chỉ là sự trao đổi nghề nghiệp, mà còn như thầm gửi đến nhau thông điệp: "Tôi vẫn còn khỏe, còn làm việc". Tặng sách cho nhau, họ âm thầm trao cho nhau cả một nguồn năng lượng sống, trao nhau những lời hẹn, những niềm tin và sự lạc quan.

"Năm tháng trôi qua, sự sàng lọc của thời gian thật là khắc nghiệt, nhưng những gì thực sự là tâm huyết, là sự thăng hoa sẽ còn lại như những kí thác nóng bỏng của một thế hệ nhà văn về một thời đoạn lịch sử nhiều bão táp, dữ dằn với tinh thần dũng cảm phi thường, những hy sinh to lớn và chiến thắng vĩ đại không bao giờ quên…" (Tham luận của Nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị). Nhìn những nhà văn mái đầu đã bạc ký tặng sách cho nhau trước lúc chia tay, tôi tin, trong những tác phẩm kia vẫn chứa đựng đủ đầy tất cả những điều đó…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/hoi-nghi-dai-bieu-nha-van-lao-thanh-viet-nam-lan-thu-nhat-nang-luong-cua-su-co-mat-i709382/