Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 phủ bóng bởi vấn đề trần nợ công của Mỹ

Cuộc chiến ở Ukraine và hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển và nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đang là chủ đề chính của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương diễn ra trong 3 ngày từ ngày 11-13.5 tại thành phố cảng Niigata của Nhật Bản.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 ngày 11.5. Ảnh: AP

Hội nghị kéo dài ba ngày tại thành phố biển Niigata được cho là cơ hội để các quốc gia G7 xây dựng tầm nhìn nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Hội nghị diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào cuối tuần tới tại thành phố Hiroshima, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn lao đao do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến nghiêm trọng.

Mặc dù có rất nhiều chủ đề cần được xem xét, từ biến đổi khí hậu đến giảm nợ cho nước nghèo đến tiền tệ kỹ thuật số… nhưng sự bế tắc về trần nợ của Mỹ và khả năng vỡ nợ tiềm ẩn là mối đe dọa tiềm ẩn lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu trước khi các cuộc họp kín bắt đầu, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết một trong những ưu tiên của bà là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết khủng hoảng. Bà nói với các phóng viên: “Thật không thể tưởng tượng được việc vỡ nợ. “Nước Mỹ không bao giờ nên vỡ nợ. Đây sẽ là một thảm họa”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Kazuo Ueda, nhất trí với quan điểm này khi nhận định: “Việc Mỹ vỡ nợ sẽ trở thành một vấn đề lớn, và tôi nghĩ rằng một mình Fed có thể không thể giải quyết được những hậu quả của mối nguy cơ này”, ông Kazuo Ueda cho biết Chủ tịch Fed cũng đã thú nhận với ông như vậy vào háng trước. Ông cho biết ông tin tưởng chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm hết sức mình để tránh kịch bản tồi tệ nhất xảy ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 10.5 rằng ông và các nhà lãnh đạo Quốc hội đã có một cuộc họp “hữu ích” trước đó để tìm cách nhất trí nâng giới hạn nợ của quốc gia. Họ sẽ họp lại trong tuần này để cố gắng ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ chính phủ chưa từng có vào ngày 1.6. Ông Biden cho biết ông "hoàn toàn chắc chắn" rằng đất nước có thể ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Bộ trưởng Yellen cũng cho biết bà “rất hy vọng” vấn đề có thể được giải quyết kịp thời

Bà Yellen cũng tìm cách trấn an những người đồng cấp của mình về những thất bại ngân hàng gần đây đã làm dấy lên những lo ngại về rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Bà cho biết các khoản đầu tư “lịch sử” của Tổng thống Biden vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ là một bước tiến tới việc cải thiện khả năng phục hồi của một nền kinh tế mà sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị thử thách nặng nề trong đại dịch Covid-19. “Chúng tôi đang thực hiện một loạt các hành động để giảm lạm phát, duy trì tăng trưởng và giúp giảm thiểu tác động của các cú sốc bên ngoài, bao gồm cả các nước đang phát triển”, bà nói.

Nhưng bà nói thêm rằng: “Ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với những rủi ro về suy giảm tăng trưởng, tôi tin rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn đang ở trong tình trạng tốt hơn so với nhiều dự đoán 6 tháng trước”.

Cục Dự trữ Liên bang cho biết trong một báo cáo trong tuần này rằng các ngân hàng Mỹ đã nâng cao tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng và kinh doanh sau hậu quả của ba vụ phá sản ngân hàng lớn mà một phần là do việc ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát lên mức cao nhất trong bốn thập kỷ sau đại dịch.

Fed đã khảo sát 65 ngân hàng Mỹ và chi nhánh của 19 ngân hàng nước ngoài ở Mỹ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, ngay sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ vào đầu tháng 3, gây ra vòng hỗn loạn ngân hàng mới nhất. Ngân hàng First Republic cũng đã bị phá sản vào đầu tháng này, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tăng lãi suất có nghĩa là làm chậm hoạt động cho vay và đi vay nhưng có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Động thái của các ngân hàng tiếp tục hạn chế cho vay có thể gây khó khăn hơn cho các doanh doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lạm phát của Mỹ hiện vẫn ở mức cao với mức giá tiêu dùng đã tăng 0,4% trong tháng 4, tăng mạnh so với mức tăng 0,1% từ tháng 2 đến tháng 3 và các thước đo về lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, một dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sẽ tiếp tục giảm chậm và khó khăn mặc dù mức tăng 4,9% tính trên cả năm là thấp nhất trong hai năm qua.

Các nền kinh tế G7 khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng giá cả thậm chí còn tăng cao hơn, buộc các ngân hàng trung ương của họ phải tăng lãi suất vốn xuống mức thấp kỷ lục trong những ngày đầu của đại dịch.

Vấn đề nợ của các nước đang phát triển cũng nằm trong chương trình nghị sự, với phiên họp hiếm hoi về định hướng tài chính với 6 quốc gia trong đó có Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Với tư cách là nước giữ Chủ tịch G7, Nhật Bản đang đặt mục tiêu thiết lập một lịch trình rõ ràng để khởi động mối quan hệ đối tác "cùng có lợi" với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ cho các sản phẩm quan trọng đối với quá trình khử carbon.

G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Những đối tác khác được mời tham dự các cuộc họp ở Niigata bao gồm Liên minh Châu Âu, IMF và WB; các bộ trưởng tài chính của Brazil, Comoros, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Singapore.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/hoi-nghi-bo-truong-tai-chinh-g7-phu-bong-boi-van-de-tran-no-cong-cua-my-i327793/