Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngày 16/11, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thảo luận và cho ý kiến vào các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XV, một số dự thảo Nghị quyết, đề án, báo cáo, Thông báo Kết luận và một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; đại diện một số Ban xây dựng Đảng của Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.

Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung trình tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XV gồm: dự thảo 4 Nghị quyết do Đảng đoàn HĐND tỉnh trình bày tại hội nghị và 8 báo cáo và 19 dự thảo Nghị quyết do Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình, các đại biểu cơ bản nhất trí và cho rằng việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết là cần thiết và phù hợp với chủ trương, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về tính khả thi, nguồn lực, kinh phí ngân sách khi tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, đồng thời đóng góp ý kiến vào một số báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết.

Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, đại biểu đề nghị Đoàn giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án từ năm 2019 đến năm 2021 cần tập trung giám sát những vấn đề mà người dân đang quan tâm, bức xúc, những vấn đề nổi cộm trong xã hội như: thu hồi đất, đấu giá đất, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ giữa năm 2021, HĐND tỉnh khóa XV chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để cần có mốc thời gian cụ thể, xác định trách nhiệm trả lời với cử tri.

Về Danh mục dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh năm 2022, các đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý, kiểm tra lại số liệu trong danh mục, đánh giá toàn diện thực trạng, dự báo tốc độ đô thị hóa nhu cầu sử dụng đất của từng huyện, thành phố, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất và các dấu hiệu chiếm dụng, đầu cơ, đẩy giá đất.

Đối với danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án đầu tư năm 2022 trên địa bàn tỉnh, đề nghị rà soát và thẩm tra, kỹ tránh trùng lặp, cần đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi trước đây để đảm bảo tính khả thi khi ban hành Nghị quyết mới, đồng thời nghiên cứu kỹ căn cứ pháp lý liên quan, lưu ý đến nhu cầu sử dụng đất quốc phòng của các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn, bổ sung danh mục xây dựng thao trường, bãi tập, khu vực phòng thủ… ở một số địa phương.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đối với nhóm Dự thảo tờ trình, Nghị quyết về các Dự án đầu tư công, đại biểu đề nghị hàng năm Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có báo cáo cụ thể đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện, tiến độ cấp vốn, khó khăn vướng mắc để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, cụ thể.

Đối với dự thảo Tờ trình về việc ban hành Quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình 2022, đại biểu đề nghị quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với trạm y tế cấp xã, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19; cân nhắc tăng định mức phân bổ đối với lĩnh vực chi quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể cấp huyện, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết phát triển thanh niên tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu cho rằng đây là Nghị quyết rất quan trọng thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thanh niên, nhằm chăm lo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên, tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao phục vụ sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới, vì vậy, trước khi đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần có báo cáo đánh giá thực trạng tình hình thanh niên của tỉnh đến năm 2020 để có cơ sở xây dựng đảm bảo khả thi, tránh chồng chéo với các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong các Nghị quyết khác.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện Đảng Đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, một số sở, ngành đã giải trình làm rõ một số vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến nội dung giám sát chuyên đề, căn cứ xác định định mức chi thường xuyên và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; quy trình xây dựng các dự thảo tờ trình, Nghị quyết...

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà thống nhất ý kiến của các đại biểu.

Theo đó, Ban Thường vụ cơ bản nhất trí với các dự thảo tờ trình, Nghị quyết, báo cáo; đề nghị Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn chỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến trình Thường trực HĐND xem xét trong thời gian sớm nhất.

Đối với 2 dự thảo Nghị quyết liên quan đến danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất, đồng chí đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các căn cứ để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong hội nghị tới.

Trong đó, cần lưu ý đến các căn cứ pháp lý, rà soát các nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, đơn vị đồng bộ với định hướng phát triển của tỉnh và gắn với rà soát các dự án đầu tư công, dự án chậm tiến độ, lưu ý đến đất đai tôn giáo, tín ngưỡng đồng thời rà soát lại số liệu, bổ sung các danh mục dự án, diện tích phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý một số nội dung cụ thể: Về việc thành lập Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, trong quá trình tổ chức thực hiện cần đánh giá, xem xét đầy đủ, khách quan, trung thực, đúng tiến độ, đúng quy định trong cả giai đoạn 2019 - 2021 tập trung vào việc triển khai các thủ tục, quyết dự án đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư, và quyết toán quy hoạch công trình sử dụng nếu có.

Về dự thảo Nghị quyết phát triển thanh niên, đồng chí đề nghị xem xét lại các mục tiêu trong đó có ưu tiên mục tiêu trước mắt theo lộ trình thực hiện, quan tâm đến những vấn đề đang đặt ra đối với thanh niên như cách mạng 4.0, số hóa, hội nhập, công dân toàn cầu, khởi nghiệp, sáng tạo, việc làm, nghề nghiệp, văn hóa, lối sống... tập trung các giải pháp, phân công tổ chức thực hiện trên cơ sở huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đối với dự thảo nghị quyết quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với ngân sách địa phương năm 2022, cần nghiên cứu tính hợp lý, công bằng, khả thi trong nguồn ngân sách và khung được phép chi thường xuyên, xây dựng định mức phải đảm bảo tính bền vững, khả năng tự cân đối ngân sách của tỉnh, quan tâm tăng cường cho trạm y tế xã và các địa phương còn nhiều khó khăn.

Đối với dự thảo nghị quyết phân bổ kinh phí thường xuyên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021, cần đặc biệt quan tâm tới việc giải ngân trong thời gian ngắn đảm bảo đúng các văn bản hướng dẫn của Trung ương.

Đối với dự thảo Nghị quyết hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, cần lưu ý khuyến khích ứng dụng KHCN, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Ninh Bình. Dự thảo Nghị quyết đặt tên đường, cần tiếp tục nghiên cứu mang tính tổng thể tầm nhìn gắn với lịch sử văn hóa, đồng bộ với việc chỉnh trang đô thị của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh bổ sung các tài liệu đính kèm đối với những dự thảo Nghị quyết còn đang thiếu, giao Đảng đoàn HĐND tỉnh, lãnh đạo các ban, các thành viên của HĐND tỉnh thẩm tra theo quy trình, quy định. Quá trình triển khai thực hiện phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo hiệu quả khi ban hành Nghị quyết.

Theo chương trình hội nghị, các đại biểu tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Đồng tình cao với quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giảo pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết, song các đại biểu đề nghị làm rõ thêm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 số hộ nghèo giảm 2/3 so với năm 2021; bổ sung giải pháp về nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác giảm nghèo và các giải pháp hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo.

Cơ bản thống nhất với nội dung nêu trong dự thảo Đề án xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh, các đại biểu cũng cho rằng việc phát triển Trường Chính trị tỉnh phải bám sát định hướng về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nâng cao hiệu quả hoạt động được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, đảm bảo sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Nhất trí với quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đặt ra, các đại biểu cũng đề nghị Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm đến công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng trường đáp ứng tiêu chí Trường Chính trị đạt chuẩn theo Quy định 11 của Ban Bí thư; có quy hoạch tổng thể để bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Phát biểu kết luận các nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN. Ninh Bình cũng đã tập trung rất nhiều nguồn lực, giải pháp, chính sách cho công tác này.

Vì vậy việc ban hành Nghị quyết là cần thiết; các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững, đây là một trong những nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển KTXH của các ngành, địa phương.

Quá trình thực hiện cần tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nghèo và đặc biệt là quan tâm đến vấn đề tổ chức sản xuất để hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Trường Chính trị tỉnh trong việc tham mưu xây dựng Đề án, đồng chí đề nghị Trường phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy hoàn thiện Đề án, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành. Tinh thần là phải bám sát các tiêu chí để xây dựng lộ trình thực hiện, tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, tập trung nguồn lực cho các tiêu chí chưa đạt.

Đồng chí giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Trường chính trị tỉnh và bố trí ngân sách để thực hiện. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, chủ động phối hợp, triển khai thực hiện nghiêm túc, coi đây là một trong những Đề án trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ, phấn đấu đến năm 2025 đưa trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức độ 1.

Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào các dự thảo: sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Kế hoạch và dự toán in Báo Ninh Bình năm 2022 và năm 2023; Thông báo kết luận kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và cá nhân các đồng chí Thường trực Huyện ủy Gia Viễn về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định 217, quyết định 218 của Bộ Chính trị và thực hiện công tác cán bộ thuộc thẩm quyền.

Xem trên Youtube

Thùy Phương - Đức Lam - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-ban-thuong-vu-tinh-uy/d2021111608277229.htm