Hội LHPN huyện Ngọc Lặc phát huy vai trò giám sát, phản biện

Những năm qua, các cấp hội LHPN huyện Ngọc Lặc đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của huyện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các phong trào thi đua của hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh... và muốn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, giải đáp.

Đại diện cán bộ, hội viên, phụ nữ nêu ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Lặc.

Với mong muốn đó, năm 2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức 4 cuộc hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện về những vấn đề thiết thân với phụ nữ, từ đó tạo được dấu ấn trong hoạt động hội. Trong đó có 1 hội nghị đối thoại quy mô cấp huyện thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; 3 hội nghị đối thoại cấp xã thực hiện theo chương trình hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là một trong những hoạt động thể hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và là nhu cầu thiết thân của cán bộ, hội viên, phụ nữ, trên địa bàn huyện.

Đối với hội nghị đối thoại cấp huyện, Hội LHPN huyện Ngọc Lặc cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền, xem xét quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cán bộ nữ ở cơ sở xã, thị trấn tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; có giải pháp tháo gỡ, động viên người hoạt động không chuyên trách để họ yên tâm công tác tại các thôn, bản, tiểu khu; chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập theo Đề án phát triển doanh nghiệp huyện Ngọc Lặc giai đoạn 2017-2025.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên phụ nữ đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; lãnh đạo các phòng, ban, ngành liên quan lắng nghe, chia sẻ, trả lời thỏa đáng. Qua trao đổi với các chị Hà Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Lam Sơn; Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Thịnh; Bùi Thị Thư, hội viên phụ nữ xã Quang Trung là những người trực tiếp kiến nghị tại các cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, được các chị cho biết: Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các chị trực tiếp đề xuất, kiến nghị và được nghe lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chỉ đạo ngành chức năng giải quyết.

Theo tìm hiểu, từ nhiều năm nay cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Ngọc Lặc luôn tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản pháp luật, dự thảo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, góp ý sửa đổi bổ sung hương ước, quy ước thôn, bản... do đó, khi tham gia hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn hơn và đề xuất, kiến nghị đúng nội dung trọng tâm.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Bùi Huy Toàn cho biết: Lãnh đạo huyện luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hội nghị đối thoại, giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt tình hình và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, có những cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của hội LHPN các cấp.

Hội nghị đối thoại đã tạo động lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc trên địa bàn huyện nỗ lực phấn đấu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của hội, nhất là tham gia XDNTM. Nhiều công trình, phần việc do phụ nữ làm chủ đã tạo được dấu ấn, lan tỏa trong cộng đồng. Đặc biệt là công tác dọn vệ sinh môi trường, xây dựng mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, trồng hàng rào xanh; nhiều mô hình kinh tế của phụ nữ phát triển ổn định. Năm 2023, có 116 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ và phụ nữ nghèo được hội giúp bằng nhiều hình thức; xây dựng 5 mô hình hội viên phát triển kinh tế giỏi, hỗ trợ 246 hội viên phụ nữ có việc làm thường xuyên...

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/hoi-lhpn-huyen-ngoc-lac-phat-huy-vai-tro-giam-sat-phan-bien/202695.htm