Hồi kết Đạo luật xác lập quan hệ NATO - Nga?

Chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO mang tính bước ngoặt, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Trước sự kiện, Washington và các đồng minh đang nỗ lực chuẩn bị chương trình nghị sự. Nhiệm vụ của họ là không lặp lại thất bại của cuộc họp các nước thành viên ở Vilnius.

Nhà khoa học chính trị người Mỹ John Denis trong một bài phân tích đăng trên tờ Politico đã nhận xét: "Mỹ sẽ làm mọi cách để ngăn chặn sự thất bại trong việc thống nhất đường lối của Liên minh như gần đây. Để làm được điều này, Nhà Trắng sẽ phải thực hiện một số bước đi táo bạo".

Các đồng minh Trung và Đông Âu ngày càng coi an ninh của họ gắn liền với Ukraine, vì vậy việc đạt được sự đồng thuận không phải là một nhiệm vụ ngoại giao dễ dàng.

Tuy nhiên có thể tồn tại một con đường tiềm năng dẫn đến kết quả này: phá vỡ thỏa thuận thời hậu Chiến tranh Lạnh với Moskva, hiện gần như đã bị xóa bỏ. Chuyên gia Denis tin rằng thời điểm thực hiện bước đi trên đã đến.

Do tình trạng bất ổn địa chính trị trong vài năm qua, Nga và NATO đã nói rõ rằng họ không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi Đạo luật Sáng lập về các quan hệ, hợp tác và an ninh giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Nga (NRFA), cả về lời nói lẫn hành động.

Tất nhiên tài liệu này không bao giờ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó đã chính thức xác định ranh giới của những gì được phép trong quan hệ giữa NATO và Moskva. Bây giờ những ranh giới này thậm chí không tồn tại một cách chính thức.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO sẽ đưa ra quyết định hủy bỏ Đạo luật NRFA?

Mặc dù vậy, bất chấp yêu cầu mạnh mẽ từ các thành viên Trung và Đông Âu, NATO vẫn chưa chính thức thu hồi NRFA.

Theo ông Denis, lý do cho điều này rất phức tạp và bao gồm mong muốn của một số thành viên trong liên minh, điển hình như Đức. Berlin vẫn muốn duy trì một số khuôn khổ tối thiểu để nhằm trở lại quan hệ bình thường với Nga.

Những bất đồng như vậy đã phá hủy nhiều hội nghị thượng đỉnh của Liên minh và đe dọa điều này sẽ xảy ra thêm lần nữa. Do vậy, có lẽ Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ liên quan đến việc kết nạp Ukraine, hay giữ lại vài cơ chế đối thoại với Moskva.

Tất cả bước đi trên sẽ được thực hiện trong nỗ lực duy trì sự thống nhất và toàn vẹn của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, nhằm xây dựng quan hệ đối tác và sự tin cậy. Điều này mặc dù không đưa Kyiv đến gần hơn với tư cách thành viên, nhưng nó sẽ vẫn có tác dụng củng cố NATO.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ mong nhận được ủng hộ về những vấn đề nóng, trong đó bao gồm cả tư cách thành viên NATO.

Theo Politico

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoi-ket-dao-luat-xac-lap-quan-he-nato-nga-post663454.html