Hội đồng Dân tộc làm việc với Ủy ban Dân tộc

Chiều 21.2, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với Ủy ban Dân tộc về một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc thuộc trách nhiệm của hai cơ quan.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng chủ trì cuộc làm việc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, tháng 3.2022, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc tiếp tục ký Quy chế phối hợp công tác cho giai đoạn 2022 - 2026 và cùng ban hành, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp năm 2022. Với tinh thần “chủ động từ sớm, từ xa”, sự phối hợp chặt chẽ của hai cơ quan đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật; công tác giám sát, khảo sát và tham mưu các vấn đề quan trọng của đất nước có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đóng góp vào kết quả chung cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của đất nước, cũng là thời điểm tăng tốc để hai cơ quan hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó, có những nhiệm vụ yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động và trách nhiệm giữa hai cơ quan, giữa lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Thường trực Hội đồng Dân tộc, giữa các đơn vị tham mưu, chuyên môn của hai cơ quan. Cuộc làm việc lần này nhằm trao đổi, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thống nhất các giải pháp về một số vấn đề cụ thể thuộc phạm vi nhiệm vụ công tác của hai cơ quan.

Trình bày nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, năm 2023, Quốc hội đã quyết định và ban hành kế hoạch giám sát tối cao về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đợt giám sát lần này có nhiều điểm mới, đặc thù so với trước đây.

Đoàn giám sát của Quốc hội đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết, đề cương gửi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Về phía Ủy ban Dân tộc, cần bám sát Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát để chuẩn bị báo cáo và cử cán bộ tham gia phối hợp với Tổ công tác phục vụ Đoàn giám sát khi được mời.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu

Đến nay, bộ phận Thường trực Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo giám sát lần 1 của Ủy ban Dân tộc. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc, bổ sung vào báo cáo một số nội dung: đánh giá làm rõ những bất cập, hạn chế về công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia, cả ở cấp trung ương và địa phương; nội dung thể chế hóa các nghị quyết của Quốc hội đã bảo đảm đúng, trúng và đầy đủ chưa; đánh giá kết quả đạt được bước đầu trên thực tiễn về triển khai thực hiện, dự báo triển vọng hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Về triển khai xây dựng dự án Luật Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu cụ thể. Theo đó, định hướng mục tiêu nghiên cứu cần lý giải, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan; đề xuất cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận, định hướng nội dung, nội hàm xây dựng Luật Dân tộc; phân tích hệ thống pháp luật, chính sách về dân tộc theo hướng đồng bộ hóa trên cơ sở quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp 2013.

Các đại biểu đánh giá cao sự phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc; phân tích, đánh giá thực trạng việc áp dụng chính sách, pháp luật liên quan đến miền núi, vùng cao; đề xuất định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc, tăng cường sự phối hợp giữa hai cơ quan, đặc biệt là xây dựng báo cáo phục vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đại biểu dự cuộc làm việc

Các đại biểu dự cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các đại biểu; đồng thời khẳng định tinh thần quyết tâm cao nhất bảo vệ quyền lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; mong muốn nhận được sự ủng hộ, phối hợp của Hội đồng Dân tộc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc năm 2022 và dự thảo Kế hoạch công tác phối hợp giữa hai cơ quan năm 2023. Qua đó đề nghị Hội đồng Dân tộc cùng tham gia đóng góp ý kiến để Kế hoạch sớm được ban hành.

Cũng tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe Báo cáo việc thực hiện xây dựng Đề án của Hội đồng Dân tộc về chuyên đề “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”; Kết quả thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ tác động của việc phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861 ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 2, tháng 8.2021 về phân định miền núi vùng cao để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9.2023 và thảo luận về một số nội dung liên quan; việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoi-dong-dan-toc-lam-viec-voi-uy-ban-dan-toc-i316776/