Hỏi-đáp pháp luật: Pháp luật quy định như thế nào về kiểm tra cư trú?

* Bạn đọc Nguyễn Trường Thịnh ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về kiểm tra cư trú?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 25 Thông tư số 55/2021/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Cụ thể như sau:

1. Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.

2. Đối tượng, địa bàn kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên, khu nhà ở của người lao động, nhà cho thuê, nhà cho mượn, cho ở nhờ của tổ chức, cá nhân, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú; cơ quan đăng ký cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

3. Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú, thu thập, cập nhật, khai thác thông tin cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

4. Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia. Trường hợp cơ quan cấp trên kiểm tra phải phối hợp với cơ quan đăng ký cư trú cấp dưới.

* Bạn đọc Nguyễn Thị May ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi: Việc giao nộp tiền giả được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Nghị định số 87/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 2-2-2024. Cụ thể như sau:

1. Các tổ chức, cá nhân có tiền giả thực hiện giao nộp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất hoặc giao nộp cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của Quân đội, hải quan để chuyển về Ngân hàng Nhà nước.

2. Việc giao nộp tiền giả được thể hiện bằng văn bản trong đó ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, vần seri tiền giả giao nộp theo mẫu quy định.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao nộp tiền giả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

QĐND

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-kiem-tra-cu-tru-764306