Hỏi-đáp pháp luật: Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Hoàng Văn Dũng ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

1. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

* Bạn đọc Nguyễn Hữu Sáu ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, hỏi: Nghĩa vụ của người hành nghề khám, chữa bệnh đối với xã hội được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể như sau:

1. Tham gia cấp cứu, bảo vệ sức khỏe và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

2. Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác.

3. Chấp hành quyết định luân phiên có thời hạn của cơ quan quản lý trực tiếp; quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền về việc tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người hành nghề đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 24 tháng tuổi, trừ trường hợp người đó tự nguyện;

b) Người hành nghề thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các bệnh dịch và trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

QĐND

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-nguyen-tac-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-765305