Hội chứng tự hủy hoại mình: Xả stress bằng cách cắt tay, đổ máu

Theo các chuyên gia, hiện tượng trẻ có dấu hiệu tự hủy hoại mình ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại...

Người bệnh xả stress bằng cách tự hủy hoại bản thân

Người bệnh xả stress bằng cách tự hủy hoại bản thân

16 vết cắt vì ước mơ được đi du học

Tại hội thảo về Hội chứng tự hủy hoại mình chiều 9/8, BS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết: “Tôi vừa tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi, trên đầu trọc từng mảng tóc vì trẻ thường nhổ tóc, cấu da. Qua tìm hiểu, dấu hiệu này xuất hiện ở trẻ gần một năm nay. Nguyên do bố mẹ trẻ bận, con thường phải làm bạn với trò chơi điện tử, máy tính và chơi rất nhiều. Thấy con quá ham điện tử, cha mẹ tìm cách cấm, hạn chế trẻ chơi. Điều này khiến trẻ căng thẳng, luôn thấy ngứa chân tóc và thường đưa tay lên nhổ tóc gây đứt từng mảng tóc. Sau khi phát hiện ra, cha mẹ quan tâm hơn, cho con đi vui chơi, tập Yoga, học tiếng Anh thì trẻ có đỡ, nhưng trẻ vẫn thường có hành vi cấu, bóc da chân mình và cảm thấy rất… thoải mái với điều đó”.

Dấu hiệu cảnh báo một người nào đó có thể tự làm tổn thương bản thân như: Thường xuyên có các vết thương mà không rõ nguyên nhân, giảm lòng tự trọng, dễ căng thẳng, cô đơn, buồn, chán nản, có mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè và người thân, khả năng lao động và học tập kém.

Trước đó, BS. Tâm cũng đã từng điều trị cho một bệnh nhân nữ 22 tuổi mức hội chứng tự hủy hoại mình. Bệnh nhân là một nữ sinh viên năm thứ 2, hiền lành, dễ xúc động, học môn xã hội. Ngay từ khi chuẩn bị kết thúc THPT, cô đã có mong muốn đi nước ngoài du học, tuy nhiên gia đình không đáp ứng được vì kinh tế không cho phép. Bệnh nhân phải chấp nhận nhưng luôn trăn trở, dằn vặt, lúc nào cũng tâm tư với mong muốn đi du học nhưng không được đáp ứng. Tâm trạng này kéo dài từ cuối năm học lớp 12 đến năm thứ 2 đại học, bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, tức ngực, sống co cụm, biệt lập không chia sẻ với bất kỳ ai. Ức chế cảm xúc, bệnh nhân nảy ý tưởng, hành vi cắt lên cánh tay bằng dao lam.

“Khi thấy trên tay con xuất hiện các vết thương còn rỉ máu, gia đình vội vàng đưa con đi khám. Đến khi nhập viện, bệnh nhân có tất cả 16 vết cắt, tất cả vết thương nông trên bề mặt chỉ đủ chảy máu. Theo chia sẻ của bệnh nhân, các vết cắt này không khiến họ đau mà chỉ thấy thoải mái hơn”, BS. Tâm cho hay và thông tin thêm, bệnh nhân này mắc hội chứng tự hủy hoại mình, sau khi gia đình được bác sĩ tư vấn thực hiện liệu pháp tâm lý, chia sẻ quan tâm hơn với con thì bệnh nhân không còn cắt tay mình nữa. Nhưng thay vào đó, bệnh nhân lại xuất hiện những cơn rối loạn phân ly, với mục đích muốn gây sự chú ý, quan tâm của cha mẹ và người thân. Bệnh nhân buộc phải điều trị nội trú với liệu pháp tâm lý và có thuyên giảm.

Tuổi teen dễ mắc hội chứng hủy hoại mình

Theo các chuyên gia tâm lý, hội chứng tự hủy hoại bản thân xuất hiện bắt đầu từ những đòi hỏi, bức xúc của trẻ không được đáp ứng hoặc giải quyết. Khi đó, trẻ sẽ “xả” bằng cách tự làm đau mình bằng cách tự cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể lao đầu vào tường, tự đánh, tát hoặc tự nhổ tóc, cấu rách da hay nhịn ăn. Kèm theo đó, người mắc hội chứng này còn có hành vi tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở. “Đáng nói, sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế”, BS. Tâm nhấn mạnh.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, đối tượng mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân chủ yếu là trẻ vị thành niên. “Ở trường thì trẻ chịu áp lực về học hành, kỷ luật. Về nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen”, BS. Tâm lý giải.

Đáng nói, thay vì chia sẻ những bức xúc, ức chế với người thân, bạn bè, người bệnh lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết. Hoặc ngược lại, họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác. Theo TS. Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng bộ môn Tâm thần (ĐH Y Hà Nội), Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, người mắc hội chứng này thường bắt nguồn từ những sang chấn tâm lý, rối loạn nhân cách kèm theo những cơn stress. Với những người bệnh này, cần tìm ra nguyên nhân tự gây tổn thương để điều trị. Hội chứng này có thể tái diễn, nên không thể điều trị ngày một ngày hai, bệnh nhân sẽ thích ứng dần qua từng giai đoạn phát triển nhân cách. Việc điều trị cần kiên trì, bệnh nhân cần sự gần gũi, chia sẻ từ người thân trong gia đình hay những người xung quanh.

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/hoi-chung-tu-huy-hoai-minh-xa-stress-bang-cach-cat-tay-do-mau-d220486.html