Học viện Nông nghiệp Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với 4 tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành kí kết hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học, công nghệ… giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với Sở KH & CN, Sở GD - ĐT các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định.

Ngày 8/4, tại TP. Thái Bình, UBND tỉnh Thái Bình và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn”, với chủ đề Chuyển giao công nghệ - Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – Khởi nghiệp nông nghiệp.

Lễ Ký kết hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở GD - ĐT, Sở KH & CN 4 tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Lễ Ký kết hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở GD - ĐT, Sở KH & CN 4 tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, vùng ĐBSH là một trong 7 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, các tỉnh trong vùng đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế cho hai Chương trình lớn bao trùm: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các kết quả ghi nhận được đã làm thay đổi hẳn diện mạo toàn vùng.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại chương trình.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Tuy nhiên, vùng ĐBSH vẫn có nhiều điểm thiếu bền vững: Do mật độ dân số cao, kinh tế phát triển nóng, vùng ĐBSH chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường...

Theo GS. TS Nguyễn Thị Lan, đây là những điểm yếu cho sự phát triển bền vững. Có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này, song nổi lên hai vấn đề lớn cần tập trung tháo gỡ.

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển. Từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

"Đây chính là nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả", GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Tại Hội nghị nhận được chia sẻ đến từ các đại biểu, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại Hội nghị nhận được chia sẻ đến từ các đại biểu, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận một số nội dung quan trọng, như: Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại cách mạng công nghệ 4.0; các thành tựu khoa học, công nghệ; khả năng, kỹ năng ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; các chỉ tiêu phân tích đạt chứng nhận Vilas (Hệ thống công nhận phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn của Việt Nam)…

Tại hội nghị đã diễn ra chương trình ký kết hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học, công nghệ… giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với Sở KH - CN, Sở GD - ĐT 4 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định.

Hội nghị chia các nhóm thảo luận chuyên sâu giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với ngành chức năng và doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân của 4 tỉnh về công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoc-vien-nong-nghiep-viet-nam-hop-tac-dao-tao-nguon-nhan-luc-voi-4-tinh-dong-bang-song-hong-post1524652.tpo