Học trường quốc tế: Lẫn lộn thật giả

(ANTĐ) - Những năm gần đây, không ít gia đình có điều kiện kinh tế gửi gắm con em mình vào học tại các trường “quốc tế”. Yếu tố “hấp dẫn” phụ huynh học sinh chính là con em họ được học tập trong môi trường tiếng Anh, nền tảng giúp trẻ phát triển ngoại ngữ sau này. Tuy nhiên, có trường quảng cáo là trường quốc tế nhưng chỉ “quốc tế” trên bảng hiệu còn thực chất hầu hết giáo viên là người Việt.

Chị Vũ Kim Hồng, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Vợ chồng tôi là những người làm kinh doanh, có điều kiện kinh tế nên không tiếc tiền đầu tư cho hai cháu vào học cấp tiểu học tại một trường phổ thông mang tên quốc tế tại quận Tây Hồ. Sau hơn hai năm học, tôi thấy kiến thức của các cháu nhiều chỗ còn hổng. Hàng ngày, tôi phải thuê gia sư về dạy kèm. Trước đây, trường có 7 giáo viên người nước ngoài nhưng gần đây con tôi về cho biết cả trường hiện chỉ còn 3 giáo viên. Với số lượng học sinh đông nhưng chỉ có 3 giáo viên người nước ngoài là quá ít. Do vậy, giáo viên người Việt giảng dạy là chủ yếu. Đã có nhiều phụ huynh lần lượt cho con em chuyển trường với lý do phương pháp và chất lượng dạy học không đúng như cam kết ban đầu nhà trường đề ra. Tôi cho rằng với mức phí hơn 10 triệu đồng/tháng mà tôi đang chi trả không tương xứng với chất lượng đào tạo”. Ngược lại gia đình chị Hoàng Bích Thủy, ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình có điều kiện kinh tế vào loại bình thường cũng “bóp mồm, bóp miệng” xin cho con học trường quốc tế cho bằng bạn, bằng bè. Vợ chồng chị Thủy hy vọng sau vài năm học ở những trường quốc tế tại Việt Nam, chị sẽ tích góp tiền cho con đi du học. Tuy nhiên, sau hơn một năm học tại trường, gia đình chị không thể tiếp tục cho cháu theo học vì lý do học phí quá cao, chưa kể phụ phí phát sinh xung quanh hoạt động của nhà trường. Trong khi đang làm thủ tục xin chuyển trường chị Thủy đã gặp phải “sự cố”, việc chuyển đổi về trường công lập của Việt Nam không được chấp nhận với lý do chương trình học mà con chị đã theo học ở trường quốc tế không giống với chương trình ở các trường công lập này. Chị Thủy lo lắng: “Với số tiền học phí 4.000 USD/năm vợ chồng tôi phải gồng mình để cho con theo học tại trường quốc tế. Tôi chưa biết phải tính sao trong trường hợp cháu không được chấp nhận chuyển tiếp sang trường công lập vì các trường quốc tế hầu hết không liên kết đào tạo với các trường này. Đúng là tiến không được mà lùi cũng chẳng xong…”. Anh Nguyễn Văn Hùng, ở đường Âu Cơ, quận Tây Hồ băn khoăn: “Ở Việt Nam tên gọi trường quốc tế được dùng một cách khá tùy tiện. Khổ nhất là rõ ràng trường Việt Nam của người Việt Nam mà cứ phải lấy tên bằng tiếng nước ngoài hoặc tên danh nhân của nước ngoài để tăng tính hấp dẫn khi quảng cáo. Tôi có con trai 3 tuổi đang học ở một trường mầm non có tên nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh. Trường chỉ có dăm ba lớp, vài phòng học được tô vẽ màu sắc với nhiều đồ chơi (Việt Nam), nuôi và dạy cũng theo chương trình Việt Nam, nhưng được cái các cháu nói tiếng mẹ đẻ chưa sõi đã phải bập bẹ cả tiếng Anh... Thế là thành trường quốc tế và học phí cũng thu theo quốc tế ”. Cũng theo anh Hùng, ưu điểm chung của các trường dạng này là cơ sở vật chất khá tốt. Tuy nhiên, xét về chuẩn quốc tế như tên gọi của các trường thì cần phải xem lại. Trường quốc tế đang được mở ra với muôn hình vạn trạng. Trường có yếu tố nước ngoài, nhưng dạy theo chương trình trong nước, trường dạy song ngữ hoặc trường do người Việt đầu tư nhưng dạy theo chương trình nước ngoài, trường 100% vốn của nước ngoài dạy hoàn toàn chương trình Việt Nam, thậm chí có trường chỉ tăng cường tiếng Anh… Hội nhập quốc tế đã mở ra cánh cửa rộng cho Việt Nam có điều kiện tham gia và có cơ hội phát triển trong hầu hết các lĩnh vực. Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế khác thì giáo dục cũng đang có những khởi sắc đáng khích lệ. Điều này được thể hiện ở sự nở rộ của nhiều trường với nhãn mác “quốc tế” đã dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn, gây khó khăn cho nhiều bậc phụ huynh nhận ra những trường có chất lượng quốc tế thực sự. Và điều quan trọng nhất là chất lượng giáo dục mà con em họ hưởng có xứng đáng với đồng tiền gia đình họ bỏ ra hay không? (Còn nữa)

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83084&channelid=92