Học trò mãi mãi là học trò

Nước Việt bây giờ có thật nhiều trường học, bởi đơn giản người Việt có truyền thống yêu và trọng chữ. Hệ thống học đường đủ mọi cấp trải rộng từ những vùng sâu vùng xa hẻo lánh cho đến các đô thị lớn văn minh tấp nập. Chỉ nói riêng ở Hà Nội, chẳng cần là ngày khai trường hay là ngày Hiến Chương các thầy cô giáo, cứ ra đường là sẽ gặp những đám trẻ hoặc đeo ba-lô hoặc quàng túi sách nô đùa quá mức. Đôi lúc chúng vô tư đi trái chiều, và vào giờ cao điểm tan học, chúng hồn nhiên giăng hàng ba hàng bẩy. Khi thấy cảnh đó thì hầu hết những người có tuổi đều dịu dàng nhường nhịn, rồi âu yếm chép miệng. Ôi dào, bọn học trò ấy mà.

Trên cái cõi đời còn nhiều ngổn ngang này, chẳng có gì đẹp bằng cái cữ tuổi học trò. Một đoạn sống mà nhìn thấy gì cũng trong trắng lung linh. Mùi hoa sữa như thơm hơn, những cánh phượng như cháy đỏ hơn và ngay cả que kem nham nhở cắn chung, cũng ngọt ngào hơn. Cho dù giờ đây bọn trẻ có đôi chút khác xưa bởi sự ảnh hưởng từ dung tục truyền thông, đặc biệt là đủ các loại mạng xã hội, nhưng đã là học trò thì mãi vẫn chỉ là trong veo học trò. Theo một thống kê khá nghiêm túc, ở những ngày này có gần 90% bọn trẻ trung học ở đô thị đã thành thạo dùng facebook, và gần nửa là đã tới mức "nghiện". Facebook hay dở thế nào với tuổi mới lớn thì đã quá nhiều những xót xa cảnh báo từ báo chí chính thống. Thậm chí trên một vài diễn đàn trực tuyến còn khẳng định, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường. Nào là nam sinh đánh nhau, nào là nữ sinh uýnh lộn. Rồi tệ hơn, là cư xử phản cảm thô bạo giữa thầy và trò. Có những clip khiến những người cũ kỹ nhạy cảm khi xem, không thể không day dứt buốt nhói.

Thật ra, cái gọi là "bạo lực học đường" đã đến mức nghiêm trọng như người lớn lo lắng chưa. Bởi thủa xanh non đi học, hầu hết mọi đứa trẻ đều hoặc bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt. Kể cả đám tương đối trưởng thành như sinh viên cũng khó thể tránh. Thành ngữ xa xưa ở ta cũng đã nói rồi, "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò". Mà ngay trong văn chương của chung nhân loại, đề tài nhạy cảm này cũng triền miên ám ảnh, Tây cũng vậy mà Đông cũng vậy. Cứ thử đọc kiệt tác "Jane Eyre" của Charlotte Bronte người Anh rồi "Bắt trẻ đồng xanh" của J.D.Salinger người Mỹ hay tiểu thuyết xuất sắc "Nền giáo dục sai lầm" của Apđun Muix người Indonexia thì biết. Nói chung, ở tuổi học trò mười ba mười bẩy, khí lực thì đang bồng bột dương cương, kiến thức thì đang mỏng manh trường quy, nếu đòi hỏi bọn trẻ phải chính xác điềm đạm thì luôn là chuyện bất khả. Chúng hoặc buồn hoặc vui đều khá thất thường, hoàn toàn dựa trên bản năng ngây và thơ. Bác Hồ kính yêu đã hơn một lần nói "Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Ngay cả chuyện nhân văn tinh tế như "tình thương", chúng đâu có hiểu sâu sắc như kiểu chỉ có ở những người từng trải. Văn hào Tônxtôi từng ngậm ngùi nói về Anđecxen, nhà văn Đan Mạch nhân hậu chuyên viết cho thiếu nhi. "Ông ta rất cô đơn. Chính vì thế ông ta mới nói chuyện với bọn trẻ. Tuy làm như thế là lầm. Trẻ con không thương xót cái gì hết, chúng không biết thương". Ý của văn hào người Nga thật giản dị, bọn trẻ chưa cần phải tự tạo lập tình thương, bởi đơn giản ở chúng có một quyền tối thượng, chúng phải được hưởng tình yêu thương.

Thế mới biết, khi đối diện với vấn nạn "bạo lực học đường", vai trò của những người đã trưởng thành quan trọng như thế nào. Học trò ở đâu cũng vậy, nếu có mắc sai lầm thì tuyệt nhiên chỉ là phạm lỗi, người lớn rất không nên quy thành tội. Theo giáo lý ở một vài tôn giáo cao cả, chủ đề về những chuyện vấp ngã ở những người trẻ thường hay được quan tâm soi xét. Và như tất nhiên, những soi xét ấy luôn được nhìn từ một tình thương nồng hậu không ồn ào đẫm đầy tinh thần bao dung vị tha. Có lẽ do cẩn thận như thế, nên vấp ngã được chia ra thành nhiều mức độ. Hoặc đấy mới chỉ là mong manh "lạc", là non nớt "lầm", nặng hơn sẽ là sơ suất "lỗi", còn hơn nữa thì là "tội". Và ngay cả những "tội", cũng phân thành lẽ trọng khinh nặng nhẹ. Bạo lực ngày nay có ở học trò thì luôn là mức "lầm, lạc", cao nhất cũng chỉ là "lỗi". Còn cao hơn nữa thì chính là ở những người lớn của gia đình. Và xót xa thay, ở nhà trường.

Không phải thí dụ đâu xa, cứ thử nhìn những buổi họp phụ huynh một năm đôi ba lần ở hầu hết các trường trung học là dễ dàng thấy. Có kha khá những ông bố bà mẹ, lấy lý do chính đáng là bận mưu sinh kiếm tiền thường lười ngại đi họp. Bọn họ hay nhờ việc "vặt" ấy cho ông nội hay bà ngoại. Có người liều lĩnh tới mức đùn đẩy cả cho "ôsin". Cực chẳng đã không trốn được thì miễn cưỡng đành đi. Hôm họp tổng kết học kỳ, vừa tới cổng trường thì bỗng giật bắn mình vì quên giấy mời. Đành rằng là con nó học lớp 11, nhưng 11A hay B hay C thì chịu. Sau một hồi rút iphone gọi đi gọi lại về nhà thì cũng tìm được phòng, chậm chừng gần non tiếng. Cô chủ nhiệm nói đã gần xong, trừng mắt nghiêm khắc nhìn. Sợ quá, riu ríu xuống bàn cuối lớp tìm chỗ khuất ngồi. Ở đấy đã hết chỗ, bởi xúm xít một đống ông bố đang dúm dó, chắc cũng đi họp lần đầu. Đấy là chưa kể con mình được khen là giỏi là ngoan thì còn đỡ, kinh hoàng nhất là những đứa bị thầy, cô giáo, coi là đầu bò đầu bướu. "Thôi thì trăm sự nhờ nhà trường, thú thật là tôi bận quá cứ những tưởng là…". Cô chủ nhiệm nói nhẹ nhàng, nhà trường đâu phải vú em. Gần kết thúc buổi họp, ông trưởng ban phụ huynh học sinh đứng lên nói một thôi một hồi, chủ yếu hô hào đóng tiền để tăng giờ học thêm. Cứ phải để chúng nó học thật nhiều vào, như thế mới không có thời gian mà nghịch bậy. Rồi ông rút tiền làm gương, cũng vài đôi người định không đồng ý, nhưng hầu hết tặc lưỡi cho xong. Ai nấy đều khẽ liếc đồng hồ, sắp đến giờ nhậu trưa với mấy thằng bạn. Khi đi ra lấy xe ngang qua sân trường thấy một băng-rôn lớn căng khẩu hiệu "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", bỗng thấy lòng cực kỳ thanh thản.

Nhà văn vĩ đại Lỗ Tấn người Trung Quốc, sau một đoạn dài đi dạy học luôn được học trò kính yêu, có viết một truyện ngắn buồn bã "Nhật ký người điên", từng nhiều lần đã đưa vào chương trình giáo dục trung học ở ta. Đại loại truyện kể về nỗi lòng tử tế của một người lớn, đau xót khi nhìn thấy sự vô cảm với bọn trẻ từ những người lớn khác ở chung quanh. Dòng kết của truyện là rưng rưng mấy chữ "hãy cứu lấy trẻ em".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hangthang/van-hoa/item/31408402-hoc-tro-mai-mai-la-hoc-tro.html