Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người luôn chăm lo đến việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”[1],.. .chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong những căn bệnh của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ ngay từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”. Cho nên, giải pháp hàng đầu là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chính là làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh.

Read MoreTư tư­ởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang chỉ đạo thực tiễn cách mạng nước ta, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật sự trung thành của Nhân dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền, gắn kết xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng không chỉ là một quy luật tất yếu, mà còn là sự vận động và phát triển của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Với Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một quá trình thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau vì mục tiêu đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một tầm cao mới. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng không chỉ là nhiệm vụ then chốt, mang tầm chiến lược, mà còn là công việc thường xuyên của Đảng.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đòi hỏi Đảng phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, hiểu rõ phong trào cách mạng Việt Nam. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn đòi hỏi Đảng kiên định vai trò lãnh đạo đối với đất nước và sự phát triển của xã hội. Xây dựng Đảng phải gắn kết với chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, trở thành một Đảng “vừa đạo đức, vừa văn minh”, xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết Đại hôi XII của Đảng chỉ rõ: “Tích cực đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ”[2]. Trong tình hình hiện nay, để có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng cần thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng cần có ý thức sâu sắc về sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng xây dựng tổ chức phù hợp với điều kiện mới, nâng cao trình độ trí tuệ và phẩm chất mọi mặt.

Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[3]. Theo Bác, muốn như vậy, một trong những biện pháp cơ bản là Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng một mặt, khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lù000i các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như­ thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[4].

Nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rất phong phú, đa dạng. Người nêu rõ phư­ơng châm từng b­ước, có trọng tâm, có kế hoạch rõ ràng, chu đáo. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải làm toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phải đư­ợc tiến hành ở tất cả các cấp. Trong đó, đặc biệt coi trọng làm tốt ở chi bộ, vì chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Người cho rằng: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”[5]. Bởi vậy, “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều đ­ược thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”[6].

Một nội dung quan trọng nữa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Người, đảng viên phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý t­ưởng của Đảng; phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng lên trên hết, tr­ước hết; là một tấm g­ương mẫu mực để mọi ng­ười noi theo.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến trách nhiệm và tư­ cách đảng viên. T­ư t­ưởng chủ đạo và xuyên suốt là, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và ra sức phấn đấu tu dưỡng rèn luyện, học tập để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Trung thành với t­ư t­ưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu tất yếu khách quan, là quy luật vận động, phát triển của Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá những mặt đã đạt đ­ược và ch­ưa đạt đ­ược của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, Đảng nhận thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Cùng với việc phải đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, đã đến lúc, Đảng ta phải có các quy định nghiêm khắc đối với những đảng viên nhạt phai lý tưởng, suy giảm niềm tin, nói và làm trái với nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết khai trừ những đối tượng thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ra khỏi Đảng.

Trong nhiệm kỳ này đòi hỏi toàn Đảng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là: “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên”[7]. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm. Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”[8]. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm này, càng đặt ra sự cần thiết phải coi trọng, đẩy mạnh và quyết tâm chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục cho đ­ược sự suy thoái về chính trị tư­ tư­ởng, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn liền với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần tập trung làm tốt mấy giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” trong cán bộ, đảng viên. Đây là một nội dung mới rất quan trọng để thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đảng ta yêu cầu, trong 10 nội dung xây dựng Đảng của Đại hội XII, việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mới được đưa vào Nghị quyết Đại hội XII là sự tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Để thực hiện giải pháp quan trọng này không dừng ở việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn phải thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, giám sát, phản biện của nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập của các tổ chức đảng ở cơ sở, tăng cường tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội, nhất là kỷ luật phát ngôn; đồng thời: “Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”{9]. Trong quá trình tự phê bình và phê bình cần tập trung làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ...

Ba là, xây dựng lề lối làm việc, phong cách lãnh đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đây là một trong những nội dung giải pháp cơ bản nhằm xây dựng phong cách lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, chỉnh đốn phong cách, lề lối làm việc trong Đảng là một yêu cầu có tính cấp bách đối với hoạt động lãnh đạo của một đảng cầm quyền ra đời ở một nước nông nghiệp, thuộc địa, nửa phong kiến như ở nước ta. Bởi vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng, Chính phủ và đoàn thể phải chỉnh đốn tác phong công tác, phong cách và lề lối làm việc. Trong bài nói tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Người đã nhấn mạnh: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”[10]. Người yêu cầu cán bộ phụ trách ở Trung ương “cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều....”,[11]; làm việc gì cũng phải có tổ chức tốt, lãnh đạo phải sâu sát thực tế; lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn trong tình hình hiện nay.

Nguồn:dangcongsan.vn

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/tin-bo-cong-thuong/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-ve-xay-dung-dang-670301.html