Học sinh Việt Nam tốt lên nhưng vì sao xếp hạng PISA ngày càng thấp?

Việt Nam từng đạt vị trí rất cao trong xếp hạng PISA nhưng hiện tại lại bị tụt dốc ở 3 lĩnh vực Toán, Khoa học và Đọc hiểu.

Trẻ em Việt Nam chưa được chú trọng nhiều ở kỹ năng tư duy trong học tập. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Tại tọa đàm với chủ đề Làm thế nào để dạy học sinh có thể học và giáo viên có thể dạy các kỹ năng thế kỷ 21, TS Lance G. King đề cập đến việc xếp hạng PISA của học sinh Việt Nam có sự sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, vào năm 2012, khi Việt Nam bắt đầu tham gia xếp hạng này, thứ hạng của các lĩnh vực Toán, Khoa học và Đọc hiểu lần lượt là 17, 8 và 19, thuộc top cao so với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại châu Á.

Tuy nhiên, chỉ 10 năm sau, tức là vào năm 2022, xếp hạng PISA của Việt Nam lại tục dốc nhanh. Năm đó, thứ hạng được công bố lần lượt là Toán (hạng 31), Khoa học (hạng 35) và Đọc hiểu (hạng 34).

Vì sao Việt Nam tụt hạng

Khi TS Lance G. King đưa ra số liệu về xếp hạng PISA của Việt Nam, một nhà giáo dục đại học đặt câu hỏi rằng cô thấy học sinh Việt Nam đang ngày càng tốt lên, nhưng vì sao thứ hạng lại giảm mạnh.

Ông Lance G. King là tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh.

Theo ông King, PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế ở các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, được triển khai từ năm 2000. Những nhà đánh giá sẽ chọn ngẫu nhiên các học sinh từ một quốc gia và yêu cầu các em trả lời rất nhiều câu hỏi.

Điều cần lưu ý là PISA không phải thang đo kiến thức mà là xếp hạng về khả năng tư duy của trẻ. Mục đích của xếp hạng này chính là kiểm tra lượng kiến thức mà trẻ đã tiếp thu.

Theo đó, thứ hạng của các nước trên PISA chứng là minh chứng cho việc quốc gia đã giải quyết vấn đề về tư duy học tập cho trẻ như thế nào. Việc Việt Nam tụt hạng có thể cho thấy trẻ chưa được rèn luyện nhiều về khả năng tư duy khi học tập.

Tuy nhiên, TS Lance King cũng nhấn mạnh rằng xếp hạng PISA chỉ phản ánh một nhóm học sinh cụ thể, không phải là nhận định chính xác cho mọi đứa trẻ của một quốc gia.

Nhìn chung, PISA chỉ là một thước đo cho thấy một quốc gia có đang hướng tới việc rèn luyện tư duy học tập cho trẻ hay không, hay chỉ đang hướng đến mô hình dạy học truyền thống - lấy môn học làm trung tâm.

Nói thêm về việc dạy trẻ tư duy học tập, tiến sĩ King nêu một ví dụ điển hình là Singapore. Nước này đã đầu tư cho trẻ các tư duy, học hỏi, đồng thời truyền đạt những kiến thức mà các em cần.

Chúng ta cần làm gì

Từ vấn đề thứ hạng PISA của Việt Nam giảm, TS Lance King đưa ra một số gợi ý về kỹ năng học tập thế kỷ 21 mà các nhà giáo dục có thể hướng cho trẻ.

Từ khung năng lực theo chương trình giáo dục 2018 gồm 6 kỹ năng, ông King liệt kê 14 kỹ năng tương ứng để giúp trẻ phát triển kỹ năng học tập thế kỷ 21, cụ thể như sau.

Nếu muốn dạy trẻ kỹ năng thế kỷ 21, TS Lance King đề xuất các nhà giáo dục cần dạy trẻ sử dụng những chiến lược cho việc học ở trường. Các chiến lược bao gồm: Quản lý thời gian và nhiệm vụ; nghe và tập trung; nghiên cứu hiệu quả; hợp tác với người khác; đọc hiểu; ghi nhớ tốt; đặt và chinh phục mục tiêu; học từ phản hồi.

"Phát triển kỹ năng thế kỷ 21 cho con hoàn toàn liên quan đến việc tập trung các em vào tất cả yếu tố để cải thiện thành công mà các em có thể kiểm soát", TS King nhấn mạnh.

Trẻ em cần được phát triển tất cả kỹ năng để học tập tốt hơn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Ngoài ra, để dạy và phát triển kỹ năng thế kỷ 21 cho trẻ, giáo viên lưu ý rằng học tập truy vấn do học sinh tự định hướng là phương pháp dạy học hiệu quả nhất để giúp trẻ phát triển kỹ năng.

Các em cũng cần được phát triển năng lực trong tất cả kỹ năng thế kỷ 21 cần thiết để học tập truy vấn hiệu quả trước khi tham gia các hoạt động giáo dục theo phương pháp dạy học này.

Còn về phía giáo viên, các thầy cô cũng cần được đào tạo về cách thiết kế và sử dụng phương pháp dạy học dựa trên truy vấn trong lớp học.

Tuy nhiên, việc đưa phương pháp giảng dạy mới để giúp trẻ phát triển kỹ năng thế kỷ 21 cũng còn nhiều rào cản.

Thứ nhất là một số giáo viên không muốn sử dụng phương pháp giảng dạy dựa trên truy vấn vì họ cho rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để dạy trẻ học hết nội dung cần thiết.

Thứ hai là học sinh sẽ không thể hiện tốt trong các bài học truy vấn nếu các em chưa có đủ kỹ năng thế kỷ 21 mà các em cần để thực hiện việc học.

Thứ ba là việc phát triển kỹ năng thế kỷ 21 cần thiết để học tập tìm hiểu hiệu quả cũng cần có thời gian giảng dạy và không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Thứ tư là nhiều giáo viên cảm thấy họ đã quá tải với nội dung môn học cần phải giảng dạy và không có thời gian rảnh rỗi trong các buổi học để dành cho việc giảng dạy các kỹ năng thế kỷ 21.

Rào cản cuối cùng chính là hầu hết giáo viên là chuyên gia môn học chứ không phải chuyên gia về kỹ năng học tập và kỹ năng tư duy nên có thể họ cũng gặp khó khăn trong việc dạy học sinh những kỹ năng này.

Theo đó, nếu muốn vượt qua rào cản và giúp trẻ phát triển kỹ năng tốt hơn, các nhà giáo dục cần lưu ý 3 giai đoạn then chốt là hình thành năng lực, thực hành và thành thạo.

Ở giai đoạn hình thành năng lực, học sinh sẽ bắt chước và học cách sử dụng kỹ năng tốt nhất trong các tình huống đơn giản.

Khi đến giai đoạn thực hành, các em sẽ sử dụng kỹ năng trong các tình huống phức tạp hơn và hướng đến việc có thể sử dụng kỹ năng bất cứ khi nào cần thiết.

Cuối cùng là giai đoạn thành thạo. Ở giai đoạn này, các em có thể sử dụng kỹ năng một cách độc lập, không phụ thuộc vào giáo viên và môi trường lớp học.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hoc-sinh-viet-nam-tot-len-nhung-vi-sao-xep-hang-pisa-ngay-cang-thap-post1470582.html