Học sinh trung học Mỹ tạo bàn tay giả bằng kỹ thuật in 3D

Sergio Peralta chào đời với bàn tay phải bị tàn tật bẩm sinh, vì vậy các bạn học đã chế tạo một bàn tay giả bằng kỹ thuật in 3D cho em.

Peralta (thứ 2 từ trái sang) và các bạn tạo bàn tay giả - Ảnh: Washington Post

Theo báo Washington Post ngày 13.2, Peralta (15 tuổi) cho biết khi chào đời bàn tay phải của em không phát triển đầy đủ, thay vào đó chỉ là những ngón tay tí hon trên đầu bàn tay.

Vì thế, em phải học thực hiện những hoạt động hằng ngày như viết, ăn, cầm các cuốn sách... với chỉ một tay. Suốt nhiều năm, Peralta mất hẳn niềm hy vọng sẽ có sự thay đổi.

Nhưng sau khi Peralta nhập học ở trường trung học Hendersonville (thuộc bang Tennessee, Mỹ) hồi tháng 8.2022, các học sinh kỹ thuật đã tạo cho em một bàn tay giả, một động thái mà Peralta nói là đã giúp thay đổi cuộc đời em và biến ước mơ của em trở thành hiện thực. Peralta nay đã có thể dùng bàn tay phải để chụp quả bóng chày, cầm chai nước, cốc nước...

Trước đó, khi đến trường, Peralta thường giấu kín bàn tay phải dưới áo khoác. Em kể hồi bé đã bị bạn học trêu chọc nên rất mặc cảm. Peralta cũng không tính sử dụng bàn tay giả vì đã quen sử dụng tay trái để làm việc.

Chỉ vài tuần sau khi khai trường, thầy giáo khoa điện toán Jeff Wilkins nhận ra Peralta là người duy nhất chuyển con chuột máy tính sang bên trái bàn phím. Rồi ông phát hiện Peralta không có bàn tay phải.

Thầy Wilkins (43 tuổi) hồi năm 2018 đã khởi động một chương trình dạy kỹ thuật, để học sinh có thể áp dụng kiến thức vào các dự án giúp cải thiện cuộc sống của cộng đồng. Ông từng thử tạo xe lăn cho một học sinh bị liệt ở bang Indiana hồi năm 2010. Tuy nhiên, thời điểm đó ông không có đủ phương tiện và tay nghề để hoàn thành chiếc xe nên đến nay vẫn còn tiếc nuối.

Sau khi biết Peralta không có bàn tay phải, Wilkins nhớ lại một video ông từng xem nhiều năm trước đó. Video này của tổ chức Khai thông tương lai, một tổ chức tình nguyện tạo các bàn tay giả bằng công nghệ in 3D.

Lúc tìm đến nhà Peralta, người thầy bàn việc tạo một tay giả với gia đình. Những người thân của Peralta tỏ ra quan tâm nhưng cũng biết việc tạo ra bàn tay là một thách thức đối với học sinh trung học.

Đầu tháng 11.2022, thầy Wilkins giao việc cho 3 học trò thực hiện dự án. Họ mua một máy in 3D trên Amazon và tìm ra một ảnh mẫu của một bàn tay giả trên một phần mềm thiết kế. Họ sử dụng axit polylactic, một vật liệu sợi nhựa phổ biến trong in 3D cũng được sử dụng để chế tạo các thiết bị điện tử, làm vải chính của bàn tay.

Nhóm thực hiện dự án cũng sử dụng polyurethane nhiệt dẻo, một loại nhựa đàn hồi thường được tìm thấy trong vỏ điện thoại và máy tính xách tay, để các ngón tay có thể uốn cong và bóp các vật thể. Họ đã thêm dây cước câu cá để Peralta có thể dễ dàng buộc bàn tay vào cẳng tay.

Cả nhóm giữ kín tiến độ thực hiện dự án. Họ đo tay của các bạn học để tạo ra cỡ tay lý tưởng cho Peralta. Sau một tuần làm việc, nhóm sử dụng máy in LulzBot 3D của trường để tạo ra một cánh tay mẫu.

Họ lo ngại Peralta sẽ không thích hoặc không sử dụng bàn tay này, nhưng ngay vừa khi đeo bàn tay mẫu vào (hồi giữa tháng 11.2022), Peralta đã có thể uốn cong các ngón tay của em. Dù Peralta không thể chụp được quả bóng sau vài cú ném đầu, các học sinh ồ lên vui sướng khi cuối cùng em cũng chụp được quả bóng bằng bàn tay mẫu.

Leslie Jaramillo, một thành viên 17 tuổi tham gia dự án này, nói em không mong dự án của lớp sẽ làm thay đổi cuộc đời của bạn học. Em nói: “Việc này cho em biết có một cách để giúp cộng đồng, thậm chí bằng cách dùng các kỹ năng được học tại trường”.

Trong vài tuần sau đó, Peralta làm việc cùng nhóm thực hiện dự án nâng cấp 3 bàn tay mẫu. Đầu tháng 12.2022, Peralta đeo bàn tay giả về nhà khoe mẹ. Em cho biết chỉ tháo bàn tay khi đi ngủ, và đã quen dùng nó để cầm ly, chai nước. Em cũng đang muốn học cách dùng bàn tay này để viết.

Dù Peralta cùng các bạn học không có nhiều kinh nghiệm kỹ thuật khi nhập học, họ đang chuẩn bị nghiên cứu sâu về kỹ thuật ở bậc đại học, và hy vọng sẽ tạo ra được những sản phẩm có ảnh hưởng tích cực đến đời sống của mọi người.

Thầy Wilikins nói: “Tôi muốn dạy các học trò rằng những sản phẩm đó không nhằm để kiếm tiền. Chúng có thể giúp cho ai đó có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Bảo Vĩnh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hoc-sinh-trung-hoc-my-tao-ban-tay-gia-bang-ky-thuat-in-3d-193095.html