Học sinh lớp 6 lơ ngơ sau 2 tháng chuyển cấp

Sau 2 tháng vào năm học mới, nhiều học sinh lớp 6 vẫn chưa hết ngỡ ngàng với hàng loạt bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết cùng một khối lượng 'khủng' bài tập về nhà.

Cách học và đánh giá ở bậc tiểu học khiến nhiều học sinh gặp khó khăn khi chuyển cấp THCS

Cách học và đánh giá ở bậc tiểu học khiến nhiều học sinh gặp khó khăn khi chuyển cấp THCS

Trong khi học sinh khổ sở vì không quen nếp học của lớp 6, thầy cô cũng rất vất vả khi học sinh THCS vẫn mang phong cách tiểu học, cái gì cũng phải “cầm tay, chỉ việc”. Hai tháng nay, chủ yếu giáo viên dạy lớp 6 chỉ tập trung vào rèn nền nếp cho học sinh thay vì học kiến thức môn học.

Giáo viên than khổ

Nếu như ở bậc tiểu học, phụ huynh cảm thấy việc không phải làm bài tập về nhà là điều tất yếu và đáng mừng với con em mình thì ngay khi vào lớp 6, nhiều người phải suy nghĩ lại khi sau 2 tháng con vẫn liên tục được giáo viên nhắc nhở về việc không hoàn thành bài tập được giao về nhà của tất cả các môn học.

“Với yêu cầu của cấp học, lượng bài tập về nhà là bắt buộc, chưa kể phải chủ động chuẩn bị trước cho bài học hôm sau. Tuy nhiên, các con hoàn toàn mất khái niệm phải làm bài tập về nhà nên thường xuyên quên, thiếu bài tập. Do bậc tiểu học đã bỏ việc giao bài tập về nhà nên khi vào THCS các em không thể quen ngay được với cách học mới. Đó là chưa kể cách chép bài giảng từng môn. Có học sinh đến bây giờ vẫn còn ghi bài tất cả các môn học vào một quyển vở, dù cô giáo đã dặn dò nhiều lần” - bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết.

Thay vì phải đáp ứng đúng tiến độ môn học, hiện nay, giáo viên lớp 6 phải dành khá nhiều thời gian cho việc hướng dẫn học sinh cách thích ứng với yêu cầu bộ môn, chỉ cách chép bài, ghi bài trên lớp, cách bố trí thời gian làm bài tập, chuẩn bị bài mới ở nhà. “Nhiều bạn tốc độ viết rất chậm vì ở bậc tiểu học không được rèn cách chép bài giảng. Lên cấp THCS, thầy cô chỉ ghi ý chính lên bảng còn học sinh phải vừa nghe giảng vừa ghi chép bổ sung nhưng phần lớn học sinh không đáp ứng được yêu cầu này, buộc giáo viên phải ngừng giảng bài để “đọc chép”” - bà Nguyễn Lan Anh, giáo viên THCS quận Hà Đông chia sẻ.

Bà Nguyễn Thu Thủy, phụ huynh học sinh THCS Lê Quý Đôn cho biết, con bà đang gần như bị stress vì lượng bài tập quá nhiều. “Con liên tục bị nhắc nhở vì kết quả bài kiểm tra thấp, đặc biệt là kiểm tra 15 phút vì chưa chép hết đề bài đã gần như hết giờ kiểm tra. Con nói không biết làm cách nào vì 5 năm tiểu học con không bị kiểm tra như thế” - bà Thủy chia sẻ. Với mong muốn con nhanh chóng bắt nhịp với tốc độ học tập lớp 6, gia đình bắt buộc phải thuê gia sư kèm riêng. “Giá như bậc tiểu học các cháu được làm quen sớm, hình dung phương pháp học bậc THCS thì cả thầy, trò và phụ huynh đâu đến nỗi vất vả như vậy” - bà Thủy đặt vấn đề.

Chênh lệch lớn giữa đầu vào - đầu ra

Trong khi đầu vào là những học sinh vừa kết thúc bậc tiểu học trong tư thế thoải mái, nhẹ nhàng, không bài tập về nhà, không kiểm tra môn học thường kỳ thì với bậc THCS, các trường phải đối mặt với sự chọn lọc khắt khe của đầu ra khi điều kiện đỗ lớp 10 THPT công lập của Hà Nội đang được đánh giá là khó hơn vào đại học.

“Để các em làm quen và bắt nhịp được với yêu cầu mới ở bậc THCS rất mất thời gian. Trong khi đó, yêu cầu bậc học này không đơn giản “đọc thông viết thạo” mà phải thực sự chắc và giỏi ở ít nhất 2 môn Văn, Toán. Với việc siết chặt đầu vào lớp 10 THPT công lập, bắt buộc học sinh THCS phải đạt danh hiệu khá giỏi cả 4 năm học và điểm môn Văn, Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 phải 8, 9 điểm thì có thể nói đây là cái đích quá cao đối với nhiều học sinh” - bà Lê Thị Thúy Nga chia sẻ.

Ở quận Cầu Giấy, bà Nga cho biết, không thể đặt kỳ vọng tất cả học trò đỗ công lập bởi toàn quận có khoảng 3.000 học sinh chuyển cấp nhưng chỉ có 2 trường THPT công lập tuyển sinh khoảng 900 chỉ tiêu. Áp lực đang đè nặng lên giáo viên khi phải tìm mọi cách bồi dưỡng, đào tạo những học sinh còn lơ ngơ, chưa có thói quen, kỹ năng học tập trong môi trường THCS để đáp ứng kỳ vọng của phần lớn các bậc phụ huynh muốn con mình đỗ vào lớp 10 công lập.

“Ngành giáo dục cần tính toán lại, làm sao để các bậc học có sự liên thông tương đối đồng đều. Việc chênh lệch quá lớn giữa cách học, cách đánh giá của bậc tiểu học với THCS cùng yêu cầu đầu vào quá khắt khe của bậc THPT khiến giáo viên, học sinh đều quá vất vả, mất đi cơ hội để đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục khác như hướng nghiệp, dạy kỹ năng sống…” - bà Nga nhấn mạnh mong muốn của bản thân cũng như nhiều đồng nghiệp của mình.

Vinh Hương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/hoc-sinh-lop-6-lo-ngo-sau-2-thang-chuyen-cap/744090.antd