Học sinh lớp 12: Suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn nghề nghiệp

Dù mới chỉ kết thúc học kì II năm học 2023 - 2024, nhiều học sinh lớp 12 đã băn khoăn, lo lắng việc chọn ngành, nghề, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học năm 2024. Bên cạnh những em đã chọn hướng đi phù hợp thì vẫn có không ít em vẫn còn do dự trước ngưỡng cửa quyết định tương lai cuộc đời mình.NGHỀ 'HOT' … CÒN 'HOT' KHÔNG?

Có thể nói, đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, thì chuyện lựa chọn nghề nghiệp như thế nào cho phù hợp đó là trăn trở lớn nhất của rất nhiều học sinh. Nhiều câu hỏi đã đặt ra rằng liệu ngành, nghề chọn lựa có phù hợp hay không, chi phí gia đình cho việc học, việc làm… Chính vì vậy mà học sinh cần phải suy nghĩ sao cho thật kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình. Theo đó, cái khó của nhiều học sinh lớp 12 hiện nay là các em đang “rối”, chưa định vị được mình là thích làm gì, từ đó chưa xác định được sở trường của bản thân.

Học sinh cần suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình. Ảnh chụp tại buổi tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công.

Em Nguyễn Thị Minh Thư, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Em và các bạn thường xuyên theo dõi thông tin ở các trường, băn khoăn lớn nhất của em là cùng một ngành nghề đào tạo thế nhưng có rất nhiều trường tuyển sinh. Như vậy, học sinh phải căn cứ vào đâu để chọn trường cho phù hợp với khả năng của bản thân mình”. Còn với em Nguyễn Trọng Tuấn, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Nhiều năm nay, xu hướng chọn ngành “hot” theo đám đông vẫn còn. Liệu các ngành “hot” sẽ còn “hot” nữa không trong tương lai, mặc dù các ngành chức năng đã dự báo nhu cầu nguồn nhân lực các ngành, nghề”.

Theo nhiều hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thực tiễn trong công tác tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, khi một đất nước phát triển, bất cứ ngành nghề nào cũng có vai trò quan trọng kể cả lĩnh vực tự nhiên hay xã hội, không có khái niệm ngành, nghề “hot”. Chẳng hạn như tại tỉnh Tiền Giang, trong tương lai tới đây, nếu ngành Du lịch phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành Vận tải, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn… sẽ phát triển. Hay ngành Công nghệ ô tô phát triển thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ… chính vì vậy, học sinh đừng quá lo lắng.

Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo cho biết: “Các em đã bước qua chương trình học kỳ II, qua Tết Nguyên đán 2024 sẽ còn rất ít thời gian cho năm học 2023 - 2024, trong khi khối lượng công việc rất lớn như: Ôn tập, thi học kỳ, làm hồ sơ tuyển sinh…. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các em hãy định vị, tính toán, suy nghĩ thật chín chắn, ngành nghề mà mình theo đuổi trong tương lai. Nghề phù hợp là nghề các em phải yêu thích, đam mê, sẽ gắn bó suốt cả đường đời các em, bên cạnh đó thì các em cần tính bài toán kinh tế gia đình…”.

NHU CẦU LỚN LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ

Mùa tuyển sinh năm 2024 cũng đã chính thức khởi động. Các trường đại học, cao đẳng cũng đã chính thức bước vào các đợt tư vấn tuyển sinh. Theo Thạc sĩ Đinh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Tiền Giang, nhà trường cũng đã khởi động chương trình tư vấn tuyển sinh ở một số tỉnh thành Tây Nam bộ. Các ngành, nghề, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh sẽ được Hội đồng tuyển sinh của trường sớm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể nói, trước xu thế chung của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thị trường lao động hiện nay đang được sàng lọc một cách khắc nghiệt. Câu chuyện tìm kiếm việc làm của sinh viên ra trường ngoài yếu tố chuyên môn thì còn phụ thuộc rất nhiều vào các kỹ năng khác như: Kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, giải quyết vấn đề… Nhà tuyển dụng sẽ sẵn sàng đào thải hoặc từ chối nhận việc đối với lao động kém chuyên môn, không có kỹ năng. Những năm qua, nhà trường đã cùng bắt tay với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, tỷ lệ sinh viên của nhà trường ra trường có việc làm trong năm đầu tiên đạt trên 90%” - Thạc sĩ Đinh Quốc Cường phân tích thêm.

Tại tỉnh Tiền Giang, qua phân tích cũng như đánh giá, thị trường lao động cho thấy, trong năm 2024 cũng như trong giai đoạn 2020 - 2025 này, thị trường lao động cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng sẽ tiếp tục tăng mạnh do quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ. Đối với nhu cầu tuyển dụng có trình độ chuyên môn tập trung vào các nhóm ngành, nghề như: Kinh tế, tài chính, kế toán, cơ khí, phiên dịch, du lịch, công nghệ thông tin, điện tử…

Nếu không chọn cho bản thân con đường học tiếp đại học thì học sinh có thể lựa chọn theo học ở các trường nghề. Những năm qua, chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề tại 26 cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh được nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đánh giá rất cao. Nhiều ngành, nghề có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên 90%, trong đó có nhiều ngành tỷ lệ tới 100%. Đa số các học viên theo học tại trường nghề trên địa bàn tỉnh khi ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người học còn có cơ hội liên thông lên đại học một cách thuận tiện để nâng cao trình độ.

Đ. PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202401/hoc-sinh-lop-12-suy-nghi-ky-truoc-khi-lua-chon-nghe-nghiep-1001625/