Học sinh được nhiều người 'bảo kê', giáo viên bất lực?

“Không phạt học sinh không thể nề nếp được, phạt thì phụ huynh tới tận trường mắng giáo viên, đòi gặp hiệu trưởng. Mắng các cháu thì phụ huynh bảo cô xúc phạm. Vậy xin hỏi, giờ giáo viên bọn mình phải làm sao?”, một giáo viên cho hay.

Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra những vụ phụ huynh học sinh tới tận trường đánh cô giáo khi nghi ngờ con mình bị bạo hành ở lớp học hay chỉ cần thấy con bị cô phạt là đã “đùng đùng” yêu cầu ban giám hiệu nhà trường giải thích.

Ngoài ra, khi học sinh nói chuyện riêng trên lớp, bị cô giáo phạt đứng khoanh tay hay cô dọa học sinh rằng “bạn nào nói chuyện cô vụt vào miệng”, học sinh về mách mẹ, vậy là phụ huynh lên tận trường gặp hiệu trưởng và nói cô giáo đánh con. Tất cả những việc làm trên đây của phụ huynh đã gây ra cho giáo viên khá nhiều áp lực và gián tiếp trao cho học sinh quá nhiều đặc quyền.

Nhiều giáo viên tâm sự: “Thực sự, bây giờ mình thấy rất bế tắc. Nhiều học sinh nói chuyện trong giờ mà không biết xử lý thế nào. Chỉ nói mồm thì các em nói chuyện vẫn cứ nói chuyện. Dọa nạt, quát mắng hay phạt... thì giáo viên không dám vì sợ phụ huynh tới tận trường làm um lên”.

Một giáo viên dạy tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho hay: “Học sinh bây giờ được trao quá nhiều đặc quyền. Vậy nên, nhiều em không coi trọng giáo viên, có những học sinh thể hiện ngay thái độ khi giáo viên nhắc nhở. Vì chúng biết đằng sau đã có bố mẹ "bảo kê". Dọa nạt để răn đe thì phụ huynh đòi gặp tận hiệu trưởng.

Vì thế, rất nhiều giáo viên tâm huyết với nghề đã cảm thấy bất lực, không dám phạt học sinh vì sợ bị kiện. Mà không phạt thì khó thể dạy được bởi lớp học quá đông. Các em cứ ngồi trong lớp nói chuyện riêng, nghịch ngầm... thậm chí là cười đùa với nhau như chốn không người.

Mình đang dạy học sinh lớp 1, trong lớp có 30 bạn. Vì các em còn bé nên nói chuyện trong giờ nhiều lắm, cứ nhắc nhở được một lúc, lúc sau các con lại nói chuyện”.

Giáo viên này cũng chia sẻ thêm: “Các em nói chuyện, mình nghĩ giáo viên nên phạt để răn đe. Thế nhưng phạt thì sợ bố mẹ học sinh đến đòi gặp hiệu trưởng hoặc lại làm um lên, rất mệt mỏi cho giáo viên.

Hôm trước ở lớp mình, học sinh nói chuyện quá nhiều, cô giáo răn đe là ai còn nói chuyện cô sẽ cho vài cái vụt vào mồm. Chỉ nói cho các em sợ chứ giáo viên nào nỡ lấy thước vụt vào mồm học sinh.

Thế mà, học sinh về mách mẹ. Hôm sau, phụ huynh ra tận trường nói ngay là cô giáo dùng thước đánh vào mồm học sinh. Việc phụ huynh cư xử như vậy khiến giáo viên rất ức chế. Giáo viên chỉ muốn tốt cho các con nên mới răn đe.

Khi bị phụ huynh phản ứng như vậy thì bản thân mình rất thất vọngvmà tự nhiên có tâm lý buông xuôi. Chẳng nhẽ giờ lại dạy học theo kiểu “cô cứ giảng cho đủ thời gian lên lớp, các con có tiếp thu không thì mặc các con? Ai muốn làm gì trong giờ học thì làm, cô không quan tâm?”.

Nhiều khi uất ức nghĩ rằng mình sẽ làm thế để “an toàn” cho bản thân nhưng rồi cũng không làm thế được. Không phạt không thể nề nếp được, thế nhưng phạt thì ảnh hưởng đến mình.

Mắng các cháu thì phụ huynh bảo cô xúc phạm. Vậy xin hỏi, giờ giáo viên bọn mình phải làm sao?”.

Đồng quan điểm, một giáo viên tại trường tiểu học trên địa bàn Tây Hồ (Hà Nội) cho hay: “Lớp mình cũng hơn 30 học sinh. Học sinh lớp 1 nói chuyện như họp chợ . Nhiều khi mình răn đe, ai nói chuyện thì cô mời thầy hiệu trưởng tới phạt thì có con nói: “Thầy hiệu trưởng là bạn ông nội con”.

Mình bảo, sẽ quật vào mông bạn nào nói chuyện thì con lại nói: “Con về mách mẹ cô đánh con. Thực sự rất áp lực và bế tắc!”.

Chia sẻ những khó khăn, vất vả mà giáo viên đang gặp phải, cô Lê Thị Loan – giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: “Đúng là hiện nay, giáo viên gặp không ít khó khăn và áp lực trong việc dạy dỗ và quản lý học sinh.

Tuy nhiên, việc các con nói chuyện riêng có rất nhiều hình thức để răn đe các con chứ giáo viên không thể quát tháo hay dọa dẫm học sinh bằng những lời nói đầy bạo lực như: “bạn nào nói chuyện cô vụt vào miệng”, dù giáo viên chỉ nói cũng không nên.

Với những học sinh nói chuyện hay làm việc riêng, giáo viên có thể cho các con chép phạt nội quy lớp 10 lần hay cho các con đứng nghiêm khoảng 10 phút. Như thế, tự các con sẽ thấy xấu hổ với bạn mà lần sau không tái phạm. Và học sinh khác cũng thấy thế mà không dám nói chuyện”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hoc-sinh-duoc-nhieu-nguoi-bao-ke-giao-vien-bat-luc-post212629.info