Học online hơn một năm, sinh viên không nhớ mặt bạn cùng lớp

Dù lo lắng khi dịch bệnh cản trở những dự định tương lai, nhiều sinh viên vẫn đang tìm cách thích nghi, rút kinh nghiệm từ thời gian học online trước đó.

Với nhiều bạn trẻ, năm học mới mang đến sự phấn khởi nhưng cũng xen lẫn nỗi bất an. Khó tiếp thu bài vở, bỏ lỡ trải nghiệm đại học, không có cơ hội gắn kết với bạn bè, thầy cô là những mối quan tâm phổ biến.

Tuy vậy, sau thời gian dài, họ dần học cách thích nghi với tình cảnh và xác định những mục tiêu mới phù hợp. Nhiều người trong số đó trở nên lạc quan hơn và không cảm thấy cuộc sống đang ngưng trệ vì dịch.

Trò chuyện cùng Zing, 4 sinh viên học tập tại Hà Nội và TP.HCM chia sẻ những cảm nghĩ, dự định của mình khi bắt đầu năm học mới qua màn hình máy tính.

Bấp bênh trong năm cuối

Từng nhiều lần nghe kể về kỳ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, Nguyễn Thị Trúc Anh (22 tuổi), sinh viên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Ngoại ngữ - Tin học (TP.HCM), đã bắt đầu chuẩn bị từ đầu năm học.

Theo nữ sinh, đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu cả hành trình sau 4 năm học tập tại trường. Tuy nhiên, vì TP.HCM đang giãn cách xã hội, trường Trúc Anh quyết định chuyển mọi hoạt động sang hình thức trực tuyến.

Tiếc nuối xen lẫn hụt hẫng là tâm trạng của cô gái khi nghe thông báo từ thầy cô trong khoa. Song cô cũng nhanh chóng bắt tay vào làm bài để kịp tiến độ.

Để không ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị, Trúc Anh và giảng viên hướng dẫn cùng lên lịch họp định kỳ nhằm trao đổi, giải đáp mọi vấn đề về khóa luận.

Trúc Anh cảm thấy khó khăn khi bảo vệ khóa luận online.

Trúc Anh cảm thấy khó khăn khi bảo vệ khóa luận online.

Tương tự với học online, việc bảo vệ đề tài trực tuyến cũng gặp nhiều trục trặc như mạng chập chờn khiến sinh viên không nghe được nhận xét của thầy cô, phải hỏi lại nhiều lần, trình bày ý kiến khó khăn hơn.

“Đây có lẽ là trải nghiệm mà mình không bao giờ quên được. Tuy chuyển sang hình thức trực tuyến, mình và các bạn không hề lơ là mà còn phải chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng hơn để hạn chế sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, mình hay nhắn tin cho giảng viên khi có thắc mắc và luôn nhận được phản hồi nhanh nhất”, Trúc Anh chia sẻ.

Cô gái 22 tuổi cho biết thêm qua nhiều lần học online liên tục, cô đã quen với điều này và không còn cảm thấy bỡ ngỡ.

So với thời gian đầu, Trúc Anh tạo thói quen vào lớp trước 15 phút để kiểm tra camera, microphone, kết nối mạng và chắc chắn máy tính không bị đứng. Nếu buổi học có những phần không hiểu thì cô sẽ xem lại video ghi hình vào cuối ngày.

Không còn những ngày dậy sớm, hối hả chuẩn bị đến trường, Bùi Thị Thu Trang (21 tuổi), sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tiết kiệm được kha khá thời gian buổi sáng và giờ nghỉ trưa từ khi học online.

Theo Trang, việc chuyển sang hình thức trực tuyến có nhiều lợi ích như đảm bảo sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm, hạn chế “chạy cơ sở” trong giờ chuyển tiết. Song biện pháp này cũng mang lại những bất lợi không nhỏ.

Bỏ qua yếu tố mạng không ổn định, một trong những nguyên nhân khiến sinh viên gặp khó khăn khi học online là thiếu kết nối với thầy cô, bạn bè.

Sau nhiều tháng, Trang không nhớ rõ thành viên cùng nhóm mình là ai vì các bạn dùng ảnh đại diện “ảo”, chỉ được nghe giọng nhau qua màn hình máy tính. Điều này dẫn đến việc cập rập khi làm bài tập nhóm.

Những môn chuyên ngành thì đỡ hơn vì được học chung với lớp chính, mọi người đa số đã biết nhau. Nhưng với môn chung, cô gái phải học với các bạn lớp khác, không cùng khóa.

Là sinh viên năm cuối, Trang mong muốn có thêm nhiều kỷ niệm với trường lớp, bạn bè. Tuy nhiên, tình hình dịch kéo dài khiến nữ sinh không khỏi tiếc nuối vì bỏ lỡ những hoạt động đặc biệt.

“Thực sự thì mình cũng hơi lo vì chuyên ngành của mình là hướng dẫn viên du lịch nên phải đi tour để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng do đang giãn cách nên hầu như mọi thứ đều trì hoãn. Mong tình hình sớm khởi sắc để mình được đi học trực tiếp và thực hiện những dự định sắp tới”, Trang chia sẻ.

Thu Trang cho biết việc học online có những ưu và khuyết điểm khác nhau.

Thu Trang cho biết việc học online có những ưu và khuyết điểm khác nhau.

Thích nghi với cuộc sống

Trong 2 năm theo học tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), Nguyễn Phương Khanh (20 tuổi) đã dành hơn nửa quãng thời gian sinh viên qua màn hình máy tính. Nữ sinh không khỏi thất vọng khi phải tiếp tục học online vào kỳ 1 của năm thứ 3.

Đường truyền mạng bất ổn, thiết bị trục trặc, giao tiếp kém hiệu quả giữa giảng viên - sinh viên hoặc giữa sinh viên với nhau là những vấn đề Phương Khanh gặp phải khi học trực truyến.

Những ngày đầu, Khanh dễ mất tập trung, gần như không tiếp thu được gì. Tinh thần của cô cũng đi xuống vì phải quanh quẩn trong nhà, cảm giác như thời sinh viên đang trôi qua lãng phí.

Dù học online giúp nữ sinh chủ động thời gian cũng như không phải dậy sớm để đến trường, Khanh nhớ những lúc được cùng bạn bè tụ tập nói chuyện, đi mua đồ ăn trong giờ giải lao. Cô cũng tiếc nuối vì chưa có cơ hội gặp gỡ, thân thiết hơn với những thành viên trong tổ chức sinh viên mình tham gia.

Sau một thời gian dài mắc kẹt trong tình trạng khó khăn chung, Khanh dần chấp nhận và tập cách suy nghĩ tích cực hơn.

"Mình tập trung vào việc học trong lớp, đọc bài trước và sau khi nghe giảng để hiểu hơn. Việc tự tìm hiểu những vấn đề mình hứng thú cũng giúp mỗi ngày trôi qua bớt tẻ nhạt, lại trau dồi bản thân. Trong năm học tới, mình dự định tìm công việc thực tập hoặc làm bán thời gian để có thêm kinh nghiệm", nữ sinh chia sẻ.

Phương Khanh từng thất vọng vì học online, nhưng đang dần thích nghi với hoàn cảnh.

Phương Khanh từng thất vọng vì học online, nhưng đang dần thích nghi với hoàn cảnh.

Mới là sinh viên năm 2 tại Đại học Ngoại thương (Hà Nội), Nguyễn Quang Anh (19 tuổi) chưa phải gặp nhiều áp lực về việc thực tập, tốt nghiệp. Cậu xác định mục tiêu hiện tại là học tốt trên trường và hoàn thành nhiệm vụ ở câu lạc bộ mình tham gia.

Trong năm nhất, khi còn được đi học trên lớp, Quang Anh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và tham gia một câu lạc bộ âm nhạc.

Vì đại dịch, buổi trình diễn mà cậu cùng các thành viên dày công chuẩn bị đã phải hoãn lại.

Dù có chút tiếc nuối, Quang Anh cảm thấy việc học trực tuyến đem lại nhiều lợi thế hơn. Vì nhà cách xa trường, cậu từng ao ước có thể dậy muộn hơn một chút và được nghỉ ngơi ngay sau mỗi ca học.

"Ngoài ra, khi học online, mình có thể ghi lại bài giảng và được thầy cô chia sẻ slide sau đó. Nhờ vậy, mình dễ ôn tập hơn. Vì hiện giờ là thời đại 4.0, việc tiếp cận nhiều công nghệ và phương thức giảng dạy hiện đại cũng 'giải ngố' cho mình khá nhiều", cậu chia sẻ.

 Quang Anh cảm thấy việc học trực tuyến có nhiều lợi thế

Quang Anh cảm thấy việc học trực tuyến có nhiều lợi thế

So sánh giữa 2 kỳ học vừa qua, Quang Anh nhận thấy kết quả không bị ảnh hưởng nhiều vì học online. Theo nam sinh, điều quan trọng nhất vẫn là phương pháp học tập chứ không phải hoàn cảnh.

Trong năm học tới, để nâng cao kết quả học tập cũng như chuẩn bị cho tương lai, Quang Anh muốn chấn chỉnh lại kỷ luật bản thân.

"Mình thấy lên đại học thì sự trách nhiệm và tính tự giác đóng vai trò lớn. Hồi học trên lớp, mình còn sợ đi muộn nên phải có ý thức dậy đến trường và ngồi học. Giờ chỉ cần mở máy lên là tham gia được lớp nên mình đâm ra lười. Mình sẽ cố gắng chỉnh đốn bản thân trong thời gian tới", cậu sinh viên rút kinh nghiệm.

Mai Hoàng, Phương Thảo

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoc-online-hon-mot-nam-sinh-vien-khong-nho-mat-ban-cung-lop-post1261146.html