Học ngành Kinh doanh quốc tế ra trường làm gì?

Kinh doanh quốc tế dần đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và mang lại nhiều cơ hội việc làm dành cho sinh viên.

Trong bối cảnh các công ty trên thế giới bắt đầu hình thành mối liên hệ với nhau, ngành Kinh doanh quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, trong những năm gần đầy, nước ta tăng cường mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, mở ra cho sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế nhiều cơ hội phát triển.

Sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế. (Ảnh minh họa)

Để biết được học ngành Kinh doanh quốc tế ra trường làm công việc gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.

Học Kinh doanh quốc tế ra trường làm gì?

Ngành Kinh doanh quốc tế bao gồm toàn bộ hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ giữa các quốc gia. Đúng như tên gọi, ngành kinh doanh quốc tế mang tính chất toàn cầu và hội nhập rất cao.

Sinh viên khi chọn học ngành này sẽ được trang bị kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng cụ thể về các vấn đề thanh toán quốc tế, bảo hiểm ngoại thương, tranh chấp trong thương mại quốc tế, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài… Ngoài ra, sinh viên được học một số kỹ năng mềm như kỹ năng đàm phán, thương lượng, giải quyết tình huống kinh doanh.

Do đó, sau khi ra trường, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế có thể tự tin làm việc tại nhiều vị trí khác nhau: Chuyên viên kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các công ty thương mại, công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm; nhân viên, trợ lý xuất nhập khẩu; giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng.

Theo khảo sát, tại Việt Nam mức thu nhập trung bình của ngành Kinh doanh quốc tế dao động từ 6 - 9 triệu/tháng đối với nhân viên và từ 20 - 40 triệu/tháng đối với cấp quản lý. Với người có trình độ cao nếu chọn làm việc trong các công ty xuất nhập khẩu logistics hay các tập đoàn đa quốc gia, công ty cổ phần thương mại... thì có thể nhận được mức lương từ 30 - 150 triệu đồng/tháng.

Trường đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế

Trường Đại học Ngoại thương - năm 2024, xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế theo 4 phương thức: xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, xét tuyển kết hợp.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2023 ngành học này lấy ngưỡng điểm trúng tuyển khối A00 là 27,7 điểm và khối A01; D01; D07 là 27,2 điểm.

Trường Đại học Thương mại tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy, xét tuyển kết hợp.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27 điểm (A00; A01; D01; D07). Mức học phí dao động từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - năm 2024, xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế theo 3 phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm trúng tuyển là 27,35 điểm (A00, A01, D01, D07). Mức học phí dự kiến thu trong năm học mới dao động 16 - 22 triệu đồng/năm học.

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế thoe phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển thẳng theo phương thức riêng.

Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,5 điểm (A00; A01; D01; D90)

Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - năm 2023, đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế theo hai chương trình học với mức điểm chuẩn lần lượt là: chương trình tiếng Việt lấy 26,52 điểm (A00; A01; D01; D07) và chương trình tiếng Anh lấy 26,09 điểm (A00; A01; D01; D07).

Năm học 2023 - 2024, nhà trường quy định mức học phí đối với chương trình tiếng Việt là là 25,9 triệu đồng/năm và chương trình tiếng Anh là 51 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đang đào tạo hai chuyên ngành thuộc ngành Kinh doanh quốc tế: Kinh doanh quốc tế và Ngoại thương. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kì thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét học bạ bậc THPT.

Năm 2023, ngành Kinh doanh quốc tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 26,5 điểm (A00; A01; D01; D07). Mức học phí rơi vào khoảng khoảng 24,8 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế của một số trường đại học khác như: trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM, trường Đại học Mở TP.HCM, trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Anh Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hoc-nganh-kinh-doanh-quoc-te-ra-truong-lam-gi-ar850445.html