Học đại học sớm - tại sao không?

PGS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM cho biết, nhà trường dự kiến cho học sinh xuất sắc ở THPT được học tín chỉ một số môn cơ bản và công nhận kết quả này.

Học sinh THPT chuyên. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, trong năm 2024, ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện công nhận tín chỉ ĐH cho học sinh THPT vượt trội. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của ĐH Quốc gia TPHCM theo phương thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Ông Quân chia sẻ, nhiều trường ĐH lớn ở các nước có cơ chế đột phá cho những học sinh giỏi vượt trội. Các tài năng đặc biệt 14 tuổi có thể vào đại học, 16 - 18 tuổi tốt nghiệp ĐH, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ. Theo Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, hình thức này mở ra nhiều lợi ích cho học sinh tài năng. Các em có cơ hội được tiếp cận giáo dục ĐH sớm. Ngoài ra, các em được định hướng nghề nghiệp, làm quen sớm với môi trường ĐH. Sinh viên rút ngắn thời gian học ĐH tối đa khoảng 1 năm nếu trước đó tham gia học tập hình thức này.

Nhiều năm trước đây, ĐH Quốc gia TPHCM từng có đề án đề xuất học sinh THPT học và thi tín chỉ một số môn ở chương trình ĐH. Đề án dựa trên chương trình học AP (Advanced Placement), học sinh có thể chọn học trước một số môn theo nhiều chuyên đề khác nhau ngay từ phổ thông. Đề án được xây dựng trên nguyên tắc thí điểm áp dụng cho học sinh giỏi của Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM). Học sinh có thể tham gia một số lớp học đại cương của các trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TPHCM.

Tuy nhiên, đề án chưa triển khai do các trường thành viên chưa thống nhất vấn đề học phí, cách thức cấp tín chỉ, tổ chức... Đến năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh các trường chuyên được thi và công nhận hoàn thành một số tín chỉ ở các môn cơ bản đang được giảng dạy trong các trường ĐH - CĐ. Tuy nhiên, cho đến nay các đề án, kiến nghị này vẫn chưa được triển khai.

Theo cơ chế đặc thù được ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành cuối năm 2021, học sinh THPT chuyên của ĐH này và học sinh THPT chuyên trong cả nước từ học kỳ 2 lớp 11 sẽ được đăng ký học tích lũy một số học phần thuộc ngành đào tạo ĐH của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chương trình nói trên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã thu hút được một số học sinh theo học. Tuy nhiên, học sinh chuyên ở các tỉnh khó theo đuổi việc này vì các trường chỉ đào tạo trực tiếp, không có hình thức trực tuyến.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: Quy định của Bộ về trường chuyên khuyến khích các trường kết nối chặt chẽ với viện nghiên cứu, trường ĐH để sử dụng tài nguyên của trường ĐH (giảng viên, phòng thí nghiệm) cho việc bồi dưỡng nhân tài, cho phép những học sinh tài năng được học vượt tuổi.

Theo các chuyên gia giáo dục, khi được học các tín chỉ ĐH sớm, học sinh có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn về giáo dục ĐH, có thêm động lực tiếp tục vào ĐH mình mong muốn. Em nào cảm thấy không hợp có thể chọn ngành học hoặc trường ĐH khác.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoc-dai-hoc-som-tai-sao-khong-10270357.html