Học Cách Học sẽ giúp ích gì?

Mỗi chúng ta vừa liên tục tiếp thu, vừa liên tục phản ứng, vừa liên tục điều chỉnh và liên tục học.

Cuộc sống từng người đều xoay quanh việc học. Nội dung học vô cùng đa dạng từ học về cư xử và hành vi, chăm sóc bản thân và gia đình, đến học, tìm hiểu theo chuyên môn và sở thích.

Sự đa dạng không chỉ ở nội dung mà còn ở không gian học, chúng ta học từ trong nhà bếp đến ngoài vỉa hè, từ trong không gian gia đình cho đến trường học. Thế nhưng chúng ta bắt đầu học từ khi nào và khi nào thì ta dừng lại và gạch chân từ “Đủ!” cho việc học?

Nếu đặt câu hỏi về thứ tự: hiểu trước hay học trước? Thì bạn đọc sẽ nghĩ thế nào? Ai sẽ trả lời là hiểu, còn ai sẽ trả lời là học?

 Ảnh minh họa. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Chúng ta đang sống trong thế giới của Và cũng như thế giới của Hoặc. Khi nhìn nhận sự việc một cách cởi mở, chúng ta “và”, ví dụ “Người Hà Nội và người Sài Gòn đều thích ăn phở”; hay “Vợ anh và vợ tôi đều thích tiền”. Vì bản chất của “và” nằm trong danh sách liệt kê, để thêm vào, kéo dài ra câu chuyện.

Thế nhưng, trong thế giới của “hoặc”, chúng ta khắt khe hơn, đưa ra lựa chọn từ những ưu tiên và tiêu chí nhất định. Ví dụ, “Rẽ trái hoặc rẽ phải”, có nghĩa là đã rẽ trái thì không rẽ phải và ngược lại. Cũng như câu hỏi trên về thứ tự thời gian của việc học và hiểu.

Câu trả lời trong thế giới của và: học để hiểu hơn, tức là kiến thức có từ trước nhưng chưa hoàn thiện và thấy cần đào sâu, nên học.
Câu trả lời trong thế giới của hoặc: học trước hiểu; hiểu trước học.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi suy nghĩ và lựa chọn, chúng ta thì sẽ được tiếp tục còn chúng ta hoặc thì sẽ kết thúc.

Học Cách Học sẽ giúp ích gì?

Học Cách Học gồm 8 chương Nghĩ, Đọc, Nghe, Nói, Viết, Kế Hoạch, Nghiên Cứu, Suy Ngẫm. Tám chương này nội hàm chỉ việc học mang tính tương tác: vừa thu, vừa phát, vừa cá nhân hóa kiến thức để hiểu sâu, nhớ lâu và có được sự chú tâm bền vững. Bền vững nói đến cách chúng ta duy trì và giữ gìn nguồn tài nguyên để có thể sử dụng lâu dài.

Tuy nhiên, nó chỉ đưa ra những lý giải và gợi ý khác nhau về việc học. Việc đào sâu và tiếp tục câu chuyện học, suy nghĩ, hiểu, làm và tiến bộ là lựa chọn riêng của từng người. Học Cách Học nhấn mạnh đến tính gợi ý “nên” thay vì tính bắt buộc “phải”. Sở dĩ, “nên” được nhấn mạnh vì nó hàm ý về sự linh hoạt trong học tập và suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội và thế giới hiện tại.

Thế giới chúng ta đang sống được Zygmunt Bauman ví như thế giới lỏng. Lỏng như chất lỏng, chưa thành hình này đã sang hình khác. Trong đó, mỗi chúng ta vừa liên tục tiếp thu, vừa liên tục phản ứng, vừa liên tục điều chỉnh và liên tục học.

Sống trong thời buổi thế giới lỏng như thế, chúng ta

Suy nghĩ như thế nào?
Đọc như thế nào?
Nghe như thế nào?
Nói như thế nào?
Viết như thế nào?
Lên kế hoạch như thế nào?
Nghiên cứu như thế nào?
Suy ngẫm như thế nào?

Tám câu hỏi trên là chủ đề của 8 chương, với mục đích để người đọc nhìn thấy được hành vi học tập và tư duy của mình qua những thảo luận và ví dụ trong từng chương.

Tùy thuộc vào ưu tiên và lựa chọn của mỗi người, bạn có thể bắt đầu chương nào trước hay lựa chọn đọc chương nào.

Khi đọc, bạn có thể dùng bút để đánh dấu hoặc viết bên lề sách những ý kiến, suy nghĩ của mình về nội dung đọc được. Theo kiểu, đây là những gì tác giả viết, còn đây là những gì tôi nghĩ, đôi khi chỉ là một vài tính từ hay nhận xét ngắn gọn, để khi lật lại, phần “bên lề” giúp bạn hồi tưởng lại một cách nhanh chóng nội dung và cảm xúc của lần đọc trước.

Học Cách Học hy vọng phần nào giúp bạn tìm được niềm vui khi học và quan trọng hơn cả, được học cái mình thích và thích cái mình học.

Kiều Hiếu/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-cach-hoc-se-giup-ich-gi-post1474959.html