Học Bác để tốt hơn mỗi ngày

Với tâm niệm học Bác để bản thân tốt hơn mỗi ngày, cô giáo Phạm Thị Liễu (Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) luôn cố gắng hoàn thành từ những việc làm nhỏ nhất.

Hơn 10 năm công tác, cô Liễu được biết đến là giáo viên Tổng phụ trách Đội năng nổ, nhiệt huyết và hết lòng vì học trò nghèo.

Tận tâm với học sinh

Buổi trưa một ngày cuối năm, gió thông thốc thổi. Tại phòng học lớp 9/2, cô giáo Phạm Thị Liễu vẫn nán lại hướng dẫn thêm cho một số học sinh về bài học môn Địa lý, dẫu tiếng trống tan trường đã điểm từ khá lâu.

Từ trước đến nay, cô Liễu đều như thế, chỉ cần em nào chưa hiểu rõ hay gặp khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức mới là cô sẵn sàng hỗ trợ, giảng dạy thêm ngoài giờ.

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy 2 môn Địa lý và Lịch sử, vai trò chính của cô Liễu là Tổng phụ trách Đội. Trên cương vị này, cô luôn đầy tâm huyết và hết lòng vì học trò, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Liễu chia sẻ: “Vì yêu thích nghề “gõ đầu trẻ” từ nhỏ nên tôi quyết định theo học ngành Sư phạm Sử-Địa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, tôi xin về giảng dạy hợp đồng môn Địa lý tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ. Nhưng rồi cơ duyên lại "đưa đẩy" tôi trở thành Tổng phụ trách Đội và gắn bó với công việc này cho đến bây giờ”.

Cô giáo Phạm Thị Liễu hướng dẫn thêm cho học sinh về kiến thức môn Địa lý sau giờ lên lớp. Ảnh: Mộc Trà

Với sức trẻ, sự tâm huyết cùng khả năng sáng tạo không ngừng, cô Liễu đã làm tốt vai trò “đầu tàu” trong tập hợp, thu hút học sinh; góp phần đưa phong trào, hoạt động Đoàn-Đội của Trường THCS Nguyễn Văn Cừ phát triển sôi nổi và lan tỏa mạnh mẽ.

Nhiều năm liền, Liên đội trường đều giữ vững vị trí tốp đầu của huyện với nhiều mô hình hay, hoạt động nổi bật. Một trong số đó là “Đổi giấy lấy cây” để gây quỹ giúp bạn nghèo. Được triển khai từ năm 2021, mô hình này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh.

Theo đó, các em thu gom giấy vụn, vỏ lon theo khối lượng quy định để đổi lấy sen đá đem về trồng, chăm sóc tại khu vực lớp học. Số tiền thu được từ việc bán giấy vụn, Liên đội dùng mua sách vở, đồ dùng học tập, khăn quàng… trao tặng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu năm học mới.

“Trung bình mỗi năm, chúng tôi gây quỹ được 1 triệu đồng, giúp đỡ kịp thời cho khoảng 20 em. Đặc biệt, cũng từ mô hình này, không gian sân trường lớp học ngày càng được xanh hóa”-cô Liễu cho biết.

Ngoài tổ chức hoạt động phong trào, cô Liễu cũng thường xuyên dành thời gian gần gũi, quan tâm động viên những học trò kém may mắn nhằm tiếp thêm nghị lực cho các em trên hành trình chinh phục giấc mơ con chữ.

Em Kpă Mên (lớp 8/3) là một trong số đó. Mên bị khuyết tật chân bẩm sinh. Mới 1 tuổi, em đã mồ côi mẹ. Không lâu sau đó, người cha cũng bỏ nhà ra đi để lại 6 anh em côi cút trong căn nhà dột nát.

Trước hoàn cảnh đáng thương của Mên, chính quyền địa phương từng vận động các Mạnh Thường Quân trao tặng nhà tình thương, hỗ trợ lắp chân giả và kinh phí học tập từ khi em học lớp 5. Tuy nhiên, sau một thời gian, chiếc chân giả không còn tương thích với cơ thể khiến Mên đau đớn, đi lại khó khăn.

“Nắm bắt được vấn đề của em, cô Liễu đã chủ động báo với nhà trường và liên hệ sự hỗ trợ từ nhà hảo tâm; đồng thời, trực tiếp đưa em xuống Bình Định để lắp chân giả mới. Trong thời gian gần 1 tuần, cô luôn bên cạnh ân cần chăm sóc em như con ruột của mình. Em luôn biết ơn cô vì điều đó”-Kpă Mên chia sẻ.

Cô giáo Phạm Thị Liễu đồng hành cùng em Kpă Mên (lớp 8/3) suốt quá trình lắp lại chân giả mới tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Ảnh: NVCC

Lan tỏa cuộc thi về Bác

Không chỉ là một giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, cô Liễu còn được biết đến là người mang về nhiều giải thưởng từ cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức.

Cuộc thi được chia làm 3 bảng A, B, C dành cho học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trẻ, đoàn viên, thanh niên trong nước và lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài (dưới 35 tuổi).

Bén duyên với sân chơi này từ năm 2018, cô Liễu luôn cảm thấy đây là một cuộc thi vô cùng bổ ích. Vì thế, đều đặn các năm, cô đều nhiệt tình tham gia và gặt hái được những thành tích nhất định.

Nếu năm đầu tiên, cô chỉ đạt giải ba ở đợt thi tuần và giải khuyến khích vòng loại thì đến năm 2019, cô đã xuất sắc góp mặt ở vòng chung kết toàn quốc tại Hà Nội và đạt giải nhì. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến, cô Liễu vẫn tiếp tục tham gia và đạt giải vòng loại (năm 2020), giải tư (năm 2021), giải nhì (năm 2022).

Cô Phạm Thị Liễu (thứ 9 từ trái sang) nhận giải tư cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Năm 2023, cuộc thi diễn ra từ ngày 11-9 đến 26-11. Trải qua các vòng thi, cô Liễu đã mang về giải tư chung cuộc.

Chia sẻ sau lễ trao giải diễn ra vào sáng 26-12 tại Hà Nội, cô Liễu bày tỏ: “Dù không phải lần đầu ra Thủ đô nhận giải nhưng cảm xúc trong tôi rất khó tả. Bởi lẽ, đây là năm cuối cùng tôi còn trong độ tuổi tham gia dự thi.

Năm nay, đề thi khá khó, càng về sau, phạm vi kiến thức càng được mở rộng đến nhiều chủ đề khác nhau nên thành tích đạt được không như tôi mong muốn.

Tuy nhiên, khép lại hành trình 5 năm gắn bó với sân chơi này, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Đặc biệt, tôi có thêm nền tảng kiến thức để vận dụng linh hoạt trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày”.

Cô Phạm Thị La-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ: Cô Liễu là giáo viên có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, trách nhiệm kể cả trong giảng dạy và khi đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội. Mặc dù học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, song nhiều năm qua, nhà trường luôn là đơn vị có bề dày thành tích về công tác Đoàn-Đội. Kết quả đó là nhờ sự góp công rất lớn của cô giáo Liễu.

Đặc biệt, cô còn quan tâm nắm bắt hoàn cảnh học sinh để kịp thời tham mưu Ban Giám hiệu đưa ra những giải pháp giúp đỡ kịp thời cho những em khó khăn. Hiện Chi bộ đã hoàn tất thủ tục hồ sơ đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét kết nạp cô Liễu vào Đảng để cô có thêm điều kiện phấn đấu và cống hiến.

Với cô Liễu, giải thưởng từ cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” không chỉ là sự ghi nhận cho đóng góp của bản thân mà còn là điều kiện để cô có thể giúp đỡ thêm nhiều trò nghèo. Năm nào đạt giải, cô cũng trích một phần giải thưởng để trao tặng cho học sinh khó khăn nhằm động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hoc-bac-de-tot-hon-moi-ngay-post260496.html