Hoạt động của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số phải thực chất, không hình thức, chung chung

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh cần khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, hoạt động của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo phải thực chất, không hoạt động hình thức, chung chung.

Chiều 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2023, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 đã tạo những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số).

Trong đó, đáng chú ý, năm Dữ liệu số quốc gia đạt nhiều thành tích quan trọng. Các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).

Đặc biệt, CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VneID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 doanh nghiệp viễn thông; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến, số hóa kết quả, số hóa hồ sơ và tái sử dụng dữ liệu.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước; Chính phủ, Thủ tướng ban hành 4 nghị quyết, 1 nghị định, 7 quyết định, 6 chỉ thị. Đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực Gần 80% người dân Việt Nam sử dụng internet. Hiện đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm còn lại sẽ phải hoàn thành trong 2024). Thử nghiệm mạng di động 5G tại hơn 50 tỉnh, thành phố. Các trung tâm dữ liệu tiếp tục được đẩy mạnh xây dựng ở cả khu vực công và tư; Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, 13 doanh nghiệp xây dựng 45 trung tâm dữ liệu.

Về an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng. Có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ. Gần 4.800 trang web của cơ quan Nhà nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng.

Quang cảnh hội nghị.

Nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm chễ, không theo đúng kế hoạch

Thủ tướng nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Cơ bản nhất trí với các đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông và các phát biểu, tham luận, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện với chủ đề đã xác định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm chễ, không theo đúng kế hoạch. Hoạt động của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo phải thực chất, không hoạt động hình thức, chung chung.

Đặc biệt, để đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách các ngành, lĩnh vực tổ chức các phiên họp chuyên đề của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia về số hóa các ngành kinh tế với thời gian tổ chức cụ thể.

Cụ thể, ngành nông nghiệp tập trung vào cải thiện năng suất, hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào số hóa, tự động hóa và quản trị số hướng tới áp dụng mô hình nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm, giảm phát thải… từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện bộ, ngành tham dự hội nghị.

Ngành điện, năng lượng tập trung vào quản trị số, như hệ thống lưới điện thông minh, an ninh an toàn hệ thống điện, đối với nhà máy nhiệt điện phải giảm nhiên liệu đốt, giảm phát thải.

Ngành xây dựng tập trung vào tăng năng suất (tự động hóa quy trình xây dựng); quản lý dự án hiệu quả hơn (theo dõi tiến độ công việc, lên kế hoạch và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả hơn); tối ưu hóa thiết kế (mô phỏng 3D và hệ thống quản lý thông tin xây dựng); tăng tính linh hoạt; giảm thất thoát và lãng phí; cải thiện an toàn lao động; quản lý tài chính hiệu quả...

Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quản trị số để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hình thành khu công nghiệp xanh, sinh thái. Tổ chức trong quý III/2024

Thủ tướng đề nghị các ngành, lĩnh vực khác chủ động đề xuất tổ chức hội nghị chuyển đổi số với quy mô phù hợp (như ngành giáo dục, y tế, giao thông vận tải (logistics), tài nguyên và trường (như sàn giao dịch tín chỉ carbon, chuyển đổi xanh), lao động-thương binh và xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch…)...

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoat-dong-cua-uy-ban-va-cac-ban-chi-dao-chuyen-doi-so-phai-thuc-chat-khong-hinh-thuc-chung-chung-post278877.html