Hoạt động của Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu: Thiếu minh bạch - Kỳ I

Hơn 20 năm qua, sản lượng khai thác vàng của Besra tại Việt Nam mà đại diện là 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu tăng đều đặn qua từng năm. Thế nhưng, nhiều năm qua, DN này luôn chậm thanh toán tiền lương, các chế độ bảo hiểm cho người lao động và… quên luôn việc nộp thuế.

Khai thác khoáng sản vàng

CôngThương - Khi Cục Thuế tỉnh Quảng Nam tuyên bố tiền nợ thuế của Besra đến gần 300 tỷ đồng, lập tức 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu tuyên bố đóng cửa…

Kỳ I: Ngừng hoạt động để… gây áp lực

Công ty vàng Phước Sơn là liên doanh của Tập đoàn Vàng Besra (Canada) và Công ty Cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, trong đó Besra góp vốn 85%, còn Công ty vàng Bồng Miêu là liên doanh giữa Besra, Công ty Cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam và Công ty Olympus Pacific Minerals. Vàng khai thác được của cả 2 công ty đều xuất khẩu 100%. Năm 2013, Besra ước tính sẽ sản xuất khoảng 60.187 ounce vàng và dự kiến đạt 70.000 ounce vào cuối năm 2014.

Nhiều năm qua, trong khi các công ty khai thác vàng đều rất khó khăn thì Tập đoàn Besra luôn sống khỏe do được thực hiện những chính sách đặc biệt mà nhiều người nói là… vượt rào.

Cụ thể, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, tại Điều 3 nêu rõ “vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác”.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng Công an xã Tam Lãnh:

Cần có sự rõ ràng, minh bạch trong quá trình làm việc của công ty, không thể có chuyện thích là đóng cửa để gây áp lực. Làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho vàng tặc lộng hành và khó khăn trong quản lý an ninh trật tự của địa phương.

Loại vàng này gọi là thanh doré chưa đạt hàm lượng “bốn số 9” (99,99%) nên không thể đưa ra giao dịch trên thị trường. Các thanh vàng doré này sau khi đưa tinh luyện mới trở thành vàng “bốn số 9” quy chuẩn. Tại Việt Nam, chưa có nhà máy tinh luyện, vì vậy, toàn bộ số lượng vàng 2 công ty khai thác được chế biến thành thanh doré, sau đó đưa sang Nhà máy Argor-Heraues SA (Thụy Sĩ) tinh luyện mới đạt hàm lượng “bốn số 9”. Vàng này muốn xuất khẩu (XK) phải được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giám định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và được hưởng thuế suất 0%. Thế nhưng, không biết bằng cách nào, cơ quan hải quan phát hiện gần 5 tấn vàng nguyên liệu Besra đã XK không có chứng thư giám định của SJC. Đó cũng là lý do hải quan ra quyết định truy thu tiền thuế XK vàng nguyên liệu từ tháng 12/2007 đến 12/2012 với số tiền gần 250 tỷ đồng đối với Besra và liên doanh. Tuy nhiên, sau đó việc truy thu thuế XK vàng đối với 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đã được Bộ Tài chính tuyên hủy.

Tháng 8/2013, Besra đã có thông báo gửi đến các cơ quan báo chí và kiến nghị lên Bộ Tài chính phản đối việc tăng thuế suất tài nguyên vàng từ 15-25%. Đồng thời, kiến nghị giảm mức thuế suất cũ từ 15% xuống còn 6%, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 40% xuống 32%. Để gây sức ép, cuối tháng 11/2013, Công ty vàng Bồng Miêu đã có Văn bản số 637 TB-13/BGM thông báo tạm ngưng hoạt động vì khó khăn… Sau khi có quyết định thuế tài nguyên đối với vàng được giữ lại như cũ thì 2 công ty vàng đã trở lại hoạt động bình thường…

Việc “tạm đóng cửa” để gây áp lực của 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu không phải là chuyện mới, nhưng việc giải không hề dễ dàng khi 1.600 lao động phải nghỉ việc. Chưa kể, khi 2 công ty này tạm ngưng hoạt động thì người lao động mất việc đổ vào các mỏ vàng tiếp tục đào bới… phá nát cả vùng rừng, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự trong các khu mỏ, dẫn đến nguy cơ dễ xảy ra tai nạn. Nhưng nếu tiếp tục “nhường bước” để DN tiếp tục khai thác tài nguyên thì tình trạng DN kêu lỗ, không chịu nộp thuế… sẽ tái diễn.

Kỳ II: Lỗ thật hay… giả?

Trần Minh Tích

Khai thác khoáng sản vàng

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-sang-toi/59842/hoat-dong-cua-cong-ty-vang-phuoc-son-va-bong-mieu-thieu-minh-bach-ky-i.htm