'Hoàng tử tre' làm kinh tế vừa đủ

Tân là người chọn sống theo triết lý 'kinh tế vừa đủ', một thứ kinh tế với ưu tiên hàng đầu là lợi ích của con người và môi trường chứ không phải khai thác tối đa lợi nhuận.

Tôi hay trêu Võ Tấn Tân của Taboo Bamboo ở Hội An là “hoàng tử tre” vì anh chính là truyền nhân đời thứ ba của gia tộc làm tre, trong đó cha anh được dân gian xưng tụng là “vua tre”. Nhưng lý do quan trọng hơn có lẽ là vì cái sự “hoàng tử” rất đặc biệt của anh trong cách làm kinh doanh: mặc kệ khách khứa đông tới mức nào, ngày cuối tuần là phải đóng cửa nghỉ để ở nhà chơi với con. Vô tình, cách sống, cách kinh doanh của anh trùng với khuynh hướng đang trỗi dậy hiện nay của cộng đồng doanh nhân trẻ thế giới: kinh tế vừa đủ.

Lãng tử giữa chợ đời

Nghe về “Tân tre” thì nhiều vô cùng. Nhưng lần đầu tiên trò chuyện với anh là lúc thấy anh ngồi ôm cây đàn giữa chợ phiên cuối tuần trên đường Cửa Đại, Hội An. Tân tre ngồi đó, thật sự ngơ ngác giữa những buôn buôn bán bán, cười nói nhộn nhịp. Anh ôm cây đàn bằng tre, lim dim vừa khẩy từng nốt nhạc bài Độ ta không độ nàng có phần xuất thần. Bên cạnh anh là chiếc ô tô điện cũng bằng tre chở theo cơ man các thứ đồ chơi bằng tre. Nhiều trẻ con, Tây ta lẫn lộn, đang tha hồ nghịch đùa với mớ đồ chơi, thậm chí lấy cái xe đạp trẻ con cũng bằng tre chạy đi một quãng xa mà anh không buồn để ý.

Tôi đến, thò tay nắm lấy hai cọng dây của con rối tre, loay hoay không biết sử dụng thế nào thì anh mới dừng lại, mỉm cười hướng dẫn.

Võ Tấn Tân là truyền nhân đời thứ ba của gia tộc làm tre, trong đó cha anh được dân gian xưng tụng là “vua tre”.

Tôi nhìn gương mặt anh, cặp lông mày rậm và dài tỏa ra hai bên từ nếp nhăn rất sâu giữa trán đang giãn ra, đôi mắt sâu và rất to trông tinh nghịch kèm theo đôi môi chỉ cần nhếch lên một chút là đã thấy… siêu hài hước. Làn da cháy nắng của một người dân vùng cửa biển như vẫn còn âm hưởng của nắng, gió vùng đất mà anh gắn bó. Tôi tò mò hỏi: “Ủa, anh là người gốc Chăm?”. Tân cười, có phần rạng rỡ: “Trên đường mở cõi vào Nam, có lẽ rất đông người Quảng Nam đều có một chút lương duyên nào đó với người Chăm mà…”.

Và câu chuyện về văn hóa Chămpa, chứ không phải chuyện tre trúc, chuyện làm ăn, mới là thứ kết nối chúng tôi với nhau. Tân nhờ một bạn trẻ của gian hàng bên cạnh sang bán hàng giùm mình để kéo tôi đi kiếm ly cà phê mà nói tiếp những truyền kỳ xa xưa về một thuở “mang gươm đi mở cõi…”, tới chuyện công chúa Huyền Trân, tới những chiếc giếng cổ được đào theo công thức “nước mội” của người Chăm ở Hội An mà nhà văn Nguyên Ngọc từng có một khảo cứu sâu sắc…

Mang tre Việt ra thế giới

“Hội An sau dịch tiêu điều quá, anh thiệt hại nhiều vì mấy năm trời không có khách du lịch không?” - Tôi hỏi. Tân chưa kịp trả lời thì một người bạn làm nông nghiệp thuận tự nhiên ở Hội An đang ngồi uống bia chung đã cướp lời: “Hắn là đứa sướng nhất mùa dịch đó!”. Hóa ra, thời kỳ du lịch phát triển, Tân bận rộn từ sáng tới tối với các buổi dạy làm vật dụng từ tre cho khách nên chẳng có thời gian sáng tác sản phẩm mới. Anh chọn một lối làm việc y như kiểu nhà bác học Einstein: tưởng tượng mọi quy trình, cách làm trong đầu rồi… để đó, chờ cơ hội thực hiện sau.

Du khách quốc tế đến Hội An du lịch, tham dự khóa học làm sản phẩm từ tre với sự hướng dẫn trực tiếp của Võ Tấn Tân tại Taboo Bamboo .

Dịch bệnh, mọi thứ đóng cửa, Tân và anh em thợ thầy lại có đủ thời gian cho các sáng tạo của mình. Anh chấp nhận các đơn hàng đề nghị sản xuất xe đạp tre thủ công - thứ do anh sáng chế nhưng sau này nhiều đơn vị làm đại trà nên anh ngưng vì không muốn cạnh tranh - để xuất đi nước ngoài. Anh sáng tác ra bộ sưu tập các loài cá bằng tre và chỉ cần đưa lên internet đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình vô cùng tận của khách hàng bốn phương trời.

Không phải bận bịu khách khứa mỗi ngày, đàn cá chép, cá heo, cá đuối, thậm chí là cá mập từ tre và tài hoa cùng khổ luyện đã ra đời, lung linh tọa lạc ở những không gian sang trọng vòng quanh thế giới. Anh lại làm ra cả những chiếc đèn cù tre xoay tít mù dành cho khách siêu cao cấp của một ngân hàng và rất nhiều lồng đèn tre hình hoa sen, mà theo một nhà buôn có nghề là có khả năng đứng song song với hình tượng đèn lồng truyền thống của Phố Hội.

Hôm tới xưởng tre của anh ở dưới chân cầu Cửa Đại, gặp một nhóm bạn người Do Thái đang hì hụi làm các cốc bia bằng tre theo hướng dẫn của Tân, hơi ngớ người khi nghe một bạn nói: “Ở Israel ai mà không biết ông Tân phù thủy tre”.

Chọn bước khỏi những ưu phiền của thương trường

Tới giờ, tôi biết Tân tổng cộng 7 năm, uống bia với nhau khoảng… 70 lần, nhưng không tin được là anh vẫn đóng cửa nghỉ làm ngày Chủ nhật, và xưởng tre của anh vẫn chỉ có hai vợ chồng cùng 5 người thợ - vốn là các tình nguyện viên từ nhiều vùng đất khác nhau trên cả nước đến tham gia, kể cả một bạn người dân tộc Tày, rồi ở lại Hội An luôn. Tân từ chối hầu hết các cơ hội đầu tư, từ chối cả các đơn hàng lớn trong nước hoặc xuất khẩu nếu bắt buộc phải sản xuất theo mô hình công nghiệp. Anh nói, nhẹ như không “thôi, mệt lắm, mình làm thợ thủ công ba đời nay rồi, làm sản xuất công nghiệp thì đâu có bằng ai…”.

Tân nói về chất và hồn của cây tre, là sự rất khác biệt trong cấu tạo: rỗng bên trong nên rất nhẹ mà lại có khả năng chịu lực cao. Càng làm với tre, lại càng hiểu rằng mỗi cây tre là một thực thể riêng biệt, với bàn tay và trái tim của người làm thủ công thì sẽ tạo ra những sản phẩm khác nhau, hình thành sự đa dạng của dãy sản phẩm mà vẫn giữ được cái tinh túy của làng nghề truyền thống.

Nếu làm công nghiệp, theo Tân, chính là phá vỡ các đặc tính diệu kỳ này, vì phải chẻ nhỏ tre ra, dùng keo ép lại thành khối rồi xẻ ra như gỗ, vậy sẽ tiêu tốn nguyên liệu tre và năng lượng, nhiên liệu và công sức, lại đánh mất sự phong phú của các làng nghề - vốn là điểm thu hút quan trọng của ngành du lịch…

Taboo Bamboo ở Hội An với thiết kế chủ yếu là tre tạo nên không gian độc đáo.

Rồi anh ngồi phân tích về các cường quốc sản phẩm tre trên thế giới, khi nói đến các nghệ nhân cả đời chỉ gắn với một sản phẩm tre duy nhất như đan một loại túi xách tre với kỹ thuật siêu phức tạp và bán siêu mắc ở Nhật Bản thì đôi mắt sáng lấp lánh, nói về mô hình sản xuất tre công nghiệp hàng loạt ở Trung Quốc thì sự nhạt nhẽo bày hết ra giọng nói… Anh lại nói về sự truyền nghề, sự mất mát các tinh hoa thủ công tre của Việt Nam chỉ bởi cuộc cạnh tranh về giá, những náo loạn của kinh tế thị trường. Anh chọn bước sang một bên khỏi những ưu phiền của thương trường này, an yên mà sống và sáng tác…

Tôi không hỏi thêm, vì biết kiểu gì ông hoàng tử này cũng sẽ lặp lại cái điệp khúc “thôi, mệt lắm…” của mình. Đơn giản vì tôi đã biết Tân là người chọn sống theo triết lý kinh tế vừa đủ, một thứ kinh tế với ưu tiên hàng đầu là lợi ích của con người và môi trường chứ không phải khai thác tối đa lợi nhuận.

Triết lý “nền kinh tế vừa đủ” (Sufficiency Economy Philosophy - SEP) là một triết lý trong đó ưu tiên hàng đầu lợi ích của con người và môi trường, chứ không phải khai thác tối đa lợi nhuận.

Triết lý rất coi trọng sự phát triển của con người ở tất cả các cấp độ và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực cộng đồng để đảm bảo một lối sống cân bằng và khả năng mau phục hồi, với sự tôn trọng ở mức độ cao nhất đối với môi trường.

Trong thời đại cuộc sống trên hành tinh đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ thói quen tiêu thụ, khai thác quá mức so với sức chịu đựng của nguồn tài nguyên và môi trường; xu thế toàn cầu hóa vừa mang đến lợi ích và những bất ổn, rủi ro kinh tế thì SEP đã chú trọng tập trung giải quyết khó khăn theo phương pháp tiếp cận từ dưới lên.

Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hoang-tu-tre-lam-kinh-te-vua-du-38581.html