Hoàng tử Harry thừa nhận bị rối loạn căng thẳng

Mùa hè năm 2013, sau các trận chiến ở Afghanistan, Hoàng tử Harry nhận ra mình đã bị sang chấn từ hồi Công nước Diana mất vào tháng 8/1997.

Hoàng tử Harry bên ngoài Tòa án tối cao của Anh ở London. Ảnh: Reuters.

Đến cuối mùa hè 2013, tôi gặp rắc rối, bị đá qua lại giữa trạng thái trì trệ đầy suy nhược và những cơn hoảng loạn đáng sợ.

Cuộc đời chính thức của tôi là phải phơi mình trước công chúng, phải bước lên phía trước và phát biểu trước mọi người, thực hiện phỏng vấn, và giờ tôi thấy mình gần như không thể thực hiện những chức năng cơ bản nữa. Nhiều giờ trước mỗi bài phát biểu hoặc mỗi lần xuất hiện trước đám đông, tôi sẽ ướt sũng mồ hôi. Rồi trong suốt những sự kiện đó, tôi không thể nào suy nghĩ mạch lạc được, tâm trí đặc kịt toàn nỗi sợ hãi và ảo mộng được trốn đi nơi khác.

Ngày qua ngày, tôi chỉ suýt soát kiềm chế được mong muốn trốn chạy của mình. Nhưng tôi có thể mường tượng ra một ngày tôi không còn làm được, khi tôi sẽ thực sự nhảy khỏi sân khấu hoặc chạy ra khỏi phòng. Thật ra, ngày đó có vẻ sắp tới rồi, tôi gần như có thể vẽ sẵn trong đầu những tít báo, và điều đó khiến tình trạng lo lắng càng bội phần nghiêm trọng.

Cơn hoảng loạn thường bắt đầu khi tôi mặc lên người bộ vest vào buổi sáng: Lạ lùng thay, đó chính là tín hiệu khởi phát của tôi: Bộ vest. Khi đóng cúc áo sơ mi, tôi cảm nhận được huyết áp của mình tăng vọt. Khi thắt cà vạt, tôi có thể thấy cổ họng mình nghẹn lại. Đến lúc mặc áo khoác, thắt dây giày, mồ hôi bắt đầu chảy dọc theo lưng và hai gò má.

Như mọi cơn sợ hãi đều thế, tình trạng của tôi tiếp tục lan rộng. Chẳng mấy chốc không chỉ là những lần xuất hiện trước công chúng nữa, mà ở mọi sự kiện công khai. Trước tất cả đám đông. Tôi đã bị nặng đến mức phát hoảng lên chỉ vì có người khác ở gần.

Tôi còn sợ máy ảnh hơn bất kỳ cái gì khác. Tất nhiên, trước đây tôi chưa bao giờ thích máy ảnh cả, nhưng bây giờ tôi không thể chịu đựng được chúng. Tiếng đóng mở của màn trập trên máy ảnh… có thể khiến tôi phát bệnh suốt cả ngày.

Tôi không còn cách nào khác: Tôi bắt đầu ru rú ở nhà suốt. Ngày qua ngày, thâu đêm suốt sáng, tôi chỉ ngồi nhà xơi đồ ăn gọi về, xem bộ phim truyền hình 24 giờ sinh tử hoặc Friends. Tôi nghĩ khéo mình đã xem hết tất cả tập phim Friends trong năm 2013 rồi.

Tôi quyết định mình sẽ là một chàng Chandler.

Tôi sục sạo Google để tìm câu trả lời. Tôi nhét những triệu chứng của mình vào khắp các trang tìm kiếm thông tin y khoa. Tôi có tự chẩn bệnh cho mình, để tự đặt tên cho căn bệnh của mình… trong khi câu trả lời thì lù lù trước mặt. Tôi đã gặp rất nhiều người lính, những nam và nữ thanh niên mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, và nghe họ mô tả đã cảm thấy khó khăn nhường nào khi phải rời nhà, không thoải mái ra sao khi có người đứng xung quanh, và cực kỳ khổ sở khi phải bước ra chốn công cộng như thế nào - đặc biệt là khi nơi đó ồn ào.

Tôi đã nghe họ nói về việc họ phải căn giờ đi tới cửa hàng siêu thị thật cẩn thận, để chắc chắn là mình luôn đến đó chỉ vài phút trước khi đóng cửa, để tránh đám đông hay tiếng ồn. Tôi đồng cảm sâu sắc với họ, mà chưa bao giờ nhận ra sự tương đồng. Tôi chưa bao giờ nghĩ chính mình cũng đang mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Bất chấp những lần tiếp xúc với các thương binh, bất chấp tất cả nỗ lực đại diện cho họ, những tranh đấu để tổ chức một thế vận hội tôn vinh tình trạng của họ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một thương binh.

Và cuộc chiến của tôi đã không bắt đầu ở Afghanistan.

Mà nó bắt đầu vào tháng tám năm 1997.

Prince Harry/Bách Việt Books & NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoang-tu-harry-thua-nhan-bi-roi-loan-cang-thang-post1449713.html