Hoàng hôn Bali, nơi tình yêu bắt đầu…

Elizabeth Gilbert đã viết trong cuốn tự truyện 'Ăn, cầu nguyện và yêu' rằng: 'Ai đến Bali cũng có một mối tình'. Lời mê dụ ấy giăng mắc bước chân lữ khách giữa trùng trùng sóng, mặt trời và ánh mắt của những vị thần. Tôi không là kẻ ngoại lệ, đã choáng ngợp, bàng hoàng say đi trong lưới tình của hoàng hôn xứ vạn đảo…

Tác giả trong khuôn viên đền Tirta Empu nổi tiếng của Bali.

Tác giả trong khuôn viên đền Tirta Empu nổi tiếng của Bali.

Có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới, nhưng tôi luôn giữ cho mình thói quen trái ngược với nhiều người khi đến một vùng đất lạ. Ấy là không tìm hiểu kỹ, không đọc nhiều thông tin về nơi mình sẽ đến.

Bởi tôi luôn muốn giữ được cảm xúc bỡ ngỡ, bất ngờ, thậm chí kinh ngạc khi được tận thấy một thế giới hoàn toàn khác lạ trước mắt. Thói quen hình dung nơi ta sẽ đến nó thế nào không tồn tại trong suy nghĩ của tôi.

Khi chúng tôi lên kế hoạch đi du lịch Bali, không ít bạn bè can ngăn, cho rằng Bali không có gì đẹp, đồ ăn không hợp. Điểm đến được bạn bè gợi ý thay thế chính là đảo ngọc Phú Quốc. Tất nhiên, Phú Quốc là lựa chọn hấp dẫn, nhưng sự hứng thú với miền đất mới, khám phá một nền văn hóa mới ngoài Việt Nam cũng là điều tôi mong muốn sau thời gian dài bị “trói chân” do đại dịch COVID-19.

Thêm nữa, dù Bali không phải điểm đến xa lạ với nhiều du khách nhưng việc họ phục hồi ngành du lịch thế nào sau đại dịch cũng là điều tôi muốn tìm hiểu.

Khởi hành từ Hà Nội, sau khoảng 4h, tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Ngurah Rai, một trong 2 sân bay bận rộn nhất ở Indonesia. Lượng du khách xếp hàng nhập cảnh rất đông, nhưng thủ tục nhanh chóng do ngoài các giấy tờ cần thiết, khách du lịch chỉ cần trình chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ra khỏi sân bay, nhiều tài xế taxi vây lấy mời chào. Resort tôi đặt cách sân bay gần 13km. Một tài xế taxi “ma lanh” đòi 600.000 rupiah, tương đương hơn 900.000 đồng tiền Việt Nam. Vì đã tìm hiểu trước nên chúng tôi đã thuê được một tài xế chở đúng giá 200.000 rupiah. Trên đường, anh chàng cho biết du khách đến Bali đã đông trở lại nên công việc cũng suôn sẻ hơn.

Điều dễ nhận thấy ngay khi tới Bali là một gam màu xanh ngát, xanh của những tán cây dày đặc hai bên đường, xanh của tường rêu trong những ngôi đền cổ và xanh của mặt nước biển, của ruộng bậc thang... Nhà cửa nơi đây dù lớn hay nhỏ hầu như đều theo kiến trúc truyền thống là hình vuông, bốn mái lợp ngói, quanh nhà trồng rất nhiều hoa tạo nên cảm giác an nhiên. Thoáng chốc hoàng hôn buông xuống nhẹ nhàng, khung cảnh thoắt nhuốm vẻ lãng mạn khi mặt trời đỏ ửng lặn dần ở đường chân trời tỏa những tia nắng cuối ngày làm mây trắng ửng hồng rồi từ từ biến mất. Bali đón tôi bằng cảm giác bình yên, thư thái…

Về tới resort nhận phòng, nghỉ ngơi một chút là đến giờ ăn tối. Trời bất chợt mưa rào nên chúng tôi sang ngay một nhà hàng bên cạnh. Không gian ấm cúng với nhiều du khách người châu Âu. Khác với những gì tôi được cảnh báo, các món ăn đều rất phù hợp và ngon. Trong nhà hàng có một bàn billiards dành cho thực khách chơi miễn phí. Dù cơn mưa khiến thời tiết mát mẻ hơn, nhưng tôi đôi chút lo lắng cho kế hoạch của ngày mai. May mắn, sáng hôm sau thời tiết rất đẹp. Chàng tài xế thân thiện đưa chúng tôi tới các điểm đến, hướng dẫn tận tình, thậm chí còn chủ động làm phó nháy cho khách ở mỗi khung cảnh đẹp.

Đã hàng chục năm từ khi Bali trở thành thiên đường du lịch, sự xuất hiện của những vị khách đến từ các châu lục khác trên thế giới dường như không tác động đến nhân sinh quan và lối sống của cư dân nơi đây. trường, quán bar, sự sôi động, ồn ào mà du khách mang tới cũng không làm mất đi bản sắc vốn có của người Bali. Họ vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào các vị thần, đắm chìm trong những lễ hội mang đầy tính nghệ thuật riêng có. Một Bali mang vẻ đẹp của thời gian bất tận, cổ kính từ đền đài, nhà cửa đến trang phục sarong truyền thống của người dân…

Xứ sở vạn ngôi đền

Đến với Bali, du khách bắt gặp không chỉ những ngôi đền lớn mà trong mỗi khu dân cư hay tại nhiều gia đình, dễ dàng nhìn thấy những đền thờ nhỏ được xây dựng hài hòa với các ngôi nhà. Đời sống tâm linh phong phú, gắn kết với cuộc sống của người dân bản địa đã tạo nên nét văn hóa riêng, hấp dẫn với du khách khi khám phá Bali. Hòn đảo này sở hữu hơn 20.000 ngôi đền uy nghiêm, cổ kính, lớn, nhỏ của văn hóa Hindu giáo nên được mệnh danh là “Xứ sở vạn ngôi đền”. Vẻ đẹp và câu chuyện ngàn năm từ những ngôi đền cũng chính là niềm tự hào của người Bali. Mỗi gia đình đều xây một ngôi đền trong khuôn viên nhà mình và cầu nguyện ba lần một ngày. Những ngôi đền này sẽ được mở rộng theo năm tháng khi cô dâu mang thêm một tượng thần mà gia đình họ thờ cúng sang nhà chồng.

Một người dân thấy tôi say sưa ngắm những vị thần canh giữ trước cửa nhà liền nở nụ cười thân thiện kèm lời giải thích: “Chúng tôi lập đền thờ với ba mục đích chính: chữa trị tâm hồn, thiền và cầu nguyện”. “Tôi không hiểu tại sao những vị thần của các ông lại quấn tấm sarong kẻ đen trắng, cả cây cối cổ thụ cũng được quấn như vậy?”, tôi tò mò hỏi. “À, chúng tôi tin, cuộc đời này luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu, trắng và đen, thiện và ác. Tấm vải đó là biểu trưng cho những điều như vậy quanh chúng ta. Điều quan trọng là ta làm thế nào để phân biệt nó. Những vị thần sẽ luôn mách bảo chúng tôi làm điều thiện”, người đàn ông đáp lời tôi, không quên kèm theo lời chúc những vị khách đến từ Việt Nam có kì nghỉ thú vị.

Mỗi ngôi đền ở đây đều gắn với một câu chuyện và một điều linh thiêng. Một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất ở Bali là Tirta Empu, nơi du khách viếng thăm và thực hành nghi lễ thanh tẩy dưới dòng suối nước thiêng. Khi chúng tôi tới Tirta Empu, trước mắt là dòng người kiên nhẫn xếp hàng cả trên và dưới khu vực tắm nước thiêng. Ngôi đền có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần nên người dân địa phương hay người theo đạo Hindu khi đến đây đều có ước nguyện được tắm mình qua 12 dòng nước thiêng chảy ra từ mạch nước ngầm trong lòng đất, với mong ước được thanh lọc tâm trí, gột rửa những điều không hay. Và chính ý nghĩa linh thiêng ấy khiến đền có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.

Uluwatu là điểm cực nam ở Bali giáp Đại Tây Dương.

Uluwatu là điểm cực nam ở Bali giáp Đại Tây Dương.

Ngôi đền nổi tiếng khác phải kể đến là Uluwatu, nằm trên một vách núi hùng vĩ hướng ra biển với nhiệm vụ bảo vệ Bali khỏi những linh hồn của quỷ dữ. Đây là một trong sáu ngôi đền trụ cột tâm linh của Bali. Uluwatu được khởi công xây dựng từ thế kỷ thứ 10, nằm trên vách đá gồ ghề ven biển, cao tới 76 m và chạm khắc từ chất liệu đá san hô đen. Chính vị trí đắc địa chênh vênh giữa trời và đất đó đã tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ cho đền Uluwatu. Với lối kiến trúc rất độc đáo, bất cứ ai khi ghé đến ngôi đền này cũng phải kinh ngạc trước các tầng mái lợp lá cọ đen nhánh chồng xếp lần lượt lên nhau và không gian yên tĩnh, linh thiêng. Bao quanh đền là cảnh sắc mê ảo, bồng bềnh của những đám mây, những con sóng xô bờ tung bọt trắng xóa.

Hoàng hôn có lẽ là khoảnh khắc đẹp nhất của ngôi đền Uluwatu. Giữa muôn trùng sóng, thâm trầm u mặc của đền, đá và sắc trời ngả sang vàng - tím, mọi thứ như vỡ òa của trò chơi bảy sắc cầu vồng. Những sắc màu nối nhau, rồi đến lượt nó lan vào ánh sắc kia, như sự hòa nhập tan biến đầy ma mị không cưỡng nổi. Nó khiến người đứng ngắm bị cuốn vào, mất trọng lượng, như đang uống một chén rượu tình ngọt ngào, uống đến tận cùng, mê đắm.

Bali đứng đầu danh sách các điểm nghỉ dưỡng có khách sạn được đặt kín chỗ cho kì nghỉ cuối năm 2022. Điều này không có gì lạ bởi Bali cũng nằm trong xu hướng hồi phục chung của các điểm du lịch toàn cầu. Chưa kể, hội nghị thượng định G20 diễn ra hồi tháng 11/2022 tại Bali với sự có mặt của nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới chứng tỏ Bali là điểm đến an toàn và hấp dẫn sau đại dịch. Với G20, Bali đang cho thấy đây là cơ hội để thế giới có thể tin Bali đã sẵn sàng trở lại như trước đây.

Có một Bali khác

Trái ngược một Bali trầm mặc, cổ kính với những ngôi đền ngàn năm tuổi, còn một Bali khác sôi động, rực rỡ đầy sức sống bên những con sóng cao vài ba mét, thách thức những cú lộn ván thần sầu của giới trẻ. Du khách đến Bali có thể thưởng thức trải nghiệm mà ít điểm du lịch nào ở châu Á có được, đó là tham gia môn thể thao lướt sóng. Trong danh sách bình chọn 10 điểm lướt sóng “đỉnh” nhất ở Đông Nam Á thì Bali chiếm 2 vị trí đầu tiên là bãi biển Kuta và Uluwatu. Đây là những bãi biển đa dạng về sóng, có nhiều con sóng nhanh, mạnh nối nhau, tạo cảm giác hồi hộp, kinh ngạc cho những người chứng kiến.

Trong ngày thứ hai ở Bali, chúng tôi thuê xe máy tự tham quan và dừng chân tại bãi biển Utuwalu để thưởng ngoạn các pha lướt sóng ngoạn mục của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Bãi biển Suluban - điểm đến mơ mộng nằm ngay bên dưới quán bar Single Fin nổi tiếng nhộn nhịp và là điểm chính đến khu lướt sóng nức tiếng thế giới Uluwatu. Khi thủy triều xuống, bãi biển Suluban như một kho báu ẩn giấu bắt đầu lộ ra vẻ đẹp, lúc này thích hợp để bơi lội hơn là lướt sóng. Nước ở đây có màu xanh ngọc, muốn tới được thiên đường nhỏ này, bạn cần đi bộ xuống các bậc thang, đi qua các hang động và đến bờ cát.

Khung cảnh lãng mạn khi hoàng hôn buông xuống

Khung cảnh lãng mạn khi hoàng hôn buông xuống

Ngay từ lối gửi xe vào bãi biển, tôi quá bất ngờ bởi sự đông đúc của người chơi đổ về. Họ hầu hết đi xe máy, mỗi xe chở theo một chiếc ván đủ màu sắc sặc sỡ. Trong khoảng thời gian ở Utuwalu, cuộc sống dường như trôi đi rất nhanh, cuốn theo lớp lớp những con sóng. Người không biết lướt sóng như chúng tôi có được một vị trí tuyệt đẹp để thưởng ngoạn từ Single Fin - địa điểm thú vị nằm trong top “must-visit” (cần phải ghé thăm) trên đỉnh núi. Phóng tầm mắt xuống mặt biển xanh ngọc, chiêm ngưỡng những pha lướt sóng của các tay chơi, phấn khích với vũ điệu giữa đại dương. Tận thấy và cảm nhận, tôi ngộ ra vì sao Bali vẫn là một điểm thu hút du khách nhiều đến vậy.

Nếu bạn muốn ngắm góc hoàng hôn đẹp nhất, có thể chọn ngắm từ vị trí phía Bắc và phía Nam của ngôi đền. Hoàng hôn mang đến màu sắc lãng mạn và làm cả bầu trời trở nên dịu dàng, sắc đỏ hồng nhuộm toàn bộ không gian.

Những ngày ở đây, tôi đắm chìm trong không gian trái ngược nhau, lúc trầm mặc, linh thiêng, khi sôi động, tươi mới. Và khi thả mình ở một quán cafe giữa những bản nhạc du dương, ngắm nhìn trọn vẹn khoảnh khắc hoàng hôn rực đỏ rồi dát vàng, thoắt chuyển sang tím nhạt bao trùm hòn đảo, tôi thấy mình như bị xô đi, như có ai đó kéo tay khiến mình không tự chủ được, lịm đi trong cơn mê. Núi, sóng và mặt trời dùng dằng phút chia tay như muốn đi, muốn ở. Tôi tự hỏi, hình như xứ sở này, giữa người và thần linh, đâu là điểm để định vị họ?

Thật khó tìm ra trong khoảnh khắc thời gian chu chuyển của một ngày. Thời khắc may ra có thể tìm thấy, chính là phút này đây, hoàng hôn trên chân sóng, trên đá, trên linh thiêng những ánh nhìn tự ngàn năm. Nó khiến kẻ có mặt như thấy mình chuyển tiếp sang một kiếp khác, ở đó chỉ có hoa, rượu và lời thề. Hoàng hôn Bali không đặt dấu chấm câu cho hoan lạc trời đất, mà là chỉ dấu cho bắt đầu của cuộc hành trình đi tìm cái đẹp. Và tôi hiểu vì sao thiên hạ không ngừng tìm tới. Cái đẹp miên viễn của trời đất…

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoang-hon-bali-noi-tinh-yeu-bat-dau-post1499809.tpo