Hoằng Hóa phát huy giá trị làng nghề truyền thống

Vùng đất ven biển Hoằng Hóa không chỉ thơ mộng với núi, sông, lạch, biển hội tụ mà còn có những làng nghề truyền thống đi vào sử sách, thơ ca. Trải qua những thăng trầm của thời gian, các làng nghề tiếp tục được gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống.

Nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà bận rộn những ngày cuối năm.

Đi qua cánh cổng làng đồ sộ, ghé vào làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà, từ xa xa đã nghe tiếng đục đẽo, tiếng máy cưa, máy cắt, máy bào hòa lẫn trong tiếng ù ù của máy CNC khắc gỗ. Những âm thanh quen thuộc của làng nghề mộc như thúc giục, hối hả hơn trong những ngày cuối năm.

Nghề mộc Đạt Tài là nghề truyền thống của xã Hoằng Hà, được nằm trong danh sách những làng nghề mộc nổi tiếng của Hoằng Hóa. Theo các cụ cao niên, nghề mộc Đạt Tài đã có tiếng từ cách đây khoảng 500 năm. Nghề vốn có gốc từ Nam Định, do người thợ cả của một toán thợ mộc vào đây làm nhà, rồi lấy vợ người làng Đạt Tài. Khi định cư tại đây, ông đã truyền nghề cho dân làng Đạt Tài. Từ đây, nghề đã lan sang các làng khác trong vùng. Với tay nghề khéo léo, những người thợ mộc nơi đây đã đi khắp nơi làm nghề, rồi để lại “tiếng thơm” cho đời.

Ngày nay, nghề truyền thống của làng Đạt Tài vẫn được duy trì và phát triển. Ông Nguyễn Viết Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà, cho biết: Trong xã, hiện có hơn 70 hộ gia đình làm nghề mộc, tập trung ở 3 thôn Đạt Tài 1, Đạt Tài 2, Hà Thái, thu hút 178 hộ tham gia, chiếm 7% tổng số hộ dân toàn xã. Ngoài giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nghề mộc đem lại doanh thu khoảng 73 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 70% giá trị sản xuất của xã. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nghề mộc cũng bị tác động nhiều, song nhờ vào tay nghề vốn đã nổi tiếng từ lâu, những người thợ, cơ sở sản xuất đồ gỗ ở làng Đạt Tài vẫn duy trì và hoạt động ổn định nhờ vào thị trường mộc dân dụng và xây dựng.

Tương tự, ở làng nghề mây tre đan truyền thống xã Hoằng Thịnh, trải qua những thăng trầm theo thời gian, nghề này vẫn luôn có chỗ đứng trên thị trường. Toàn xã hiện có 520 hộ/1.950 hộ tham gia làm nghề với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng. Điều đặc biệt ở nghề mây tre đan đó là thu hút sự tham gia lao động ở nhiều lứa tuổi, tranh thủ thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập. Khoảng 2 năm trở lại đây, ứng dụng máy móc, công nghệ, nhiều cơ sở sản xuất đã dùng máy chẻ nan, máy làm mây, thay cho việc sử dụng bằng tay. Sự tham gia của máy móc đã tiết kiệm được khoảng 50% thời gian để hoàn thiện 1 sản phẩm, tăng 20% năng suất lao động. “Ngành tiểu thủ công nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân. Máy móc, công nghệ và các giao dịch trực tuyến đã mở ra cơ hội tốt để duy trì, phát triển sản phẩm làng nghề”, ông Hoàng Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh chia sẻ.

Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, toàn huyện hiện có 12 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 3 nghề truyền thống, 2 làng nghề và 7 làng nghề truyền thống đang hoạt động theo các nhóm ngành nghề của từng lĩnh vực sản xuất như: thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ. Mỗi nghề, làng nghề đều có những nét đặc sắc riêng thu hút nhiều lao động tham gia.

Huyện Hoằng Hóa đã sớm phát huy thế mạnh của địa phương, khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó phân công lao động nông thôn theo hướng tiến bộ “ly nông, bất ly hương” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho cư dân nông nghiệp. Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật khu vực nông thôn nói chung, ngành nghề nông thôn nói riêng. Khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, khuyến khích mời các nghệ nhân kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ. Hỗ trợ các địa phương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX tại làng nghề xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tham gia vào Chương trình OCOP. Tính đến tháng 12/2023, toàn huyện đã có 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ các làng nghề như nước mắm, gỗ mỹ nghệ.

Do được quan tâm đúng hướng, phù hợp với thực tế địa phương mà các nghề, làng nghề truyền thống ở Hoằng Hóa vẫn luôn giữ được chỗ đứng quan trọng trong bức tranh kinh tế chung của huyện Hoằng Hóa. Duy trì và phát triển làng nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho nhiều lao động, giúp tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo khu vực nông thôn. Hơn nữa, làng nghề còn mở ra nhiều cơ hội, sản phẩm cho phát triển du lịch, đóng góp vào chương trình XDNTM nâng cao, kiểu mẫu, phát triển giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ tinh hoa nghệ thuật từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, trước những biến động của thời cuộc, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngành nghề nông thôn ở Hoằng Hóa còn phát triển chậm, giá trị sản xuất còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung, đa số các cơ sở quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn, một số nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một (nghề gốm, nghề làm hương) trước sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại. Thực tế đó cũng đòi hỏi những trợ lực phù hợp để sản phẩm làng nghề ở Hoằng Hóa tiếp tục được khẳng định vị thế, lan tỏa giá trị trong đời sống hiện đại.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hoang-hoa-phat-huy-gia-tri-lang-nghe-truyen-thong/202653.htm