Hoàng Anh Gia Lai sở hữu thêm tối thiểu 5.000 ha đất tại Campuchia

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG - sàn HoSE) muốn hoán đổi nợ thành cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Lê Me và chuyển sang hạch toán là công ty con.

Hoàng Anh Gia Lai thông qua kết quả rà soát số liệu căn cứ trên báo cáo tài chính của Công ty và Công ty cổ phần Lê Me, thống nhất phương án chuyển đổi số dư nợ cho vay và lãi phải thu của Lê Me thành vốn góp cổ phần.

Như vậy, sau khi Lê Me phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại Lê Me sẽ là 87,74% vốn điều lệ và chính thức hợp nhất vào Hoàng Anh Gia Lai.

Công ty cổ phần Lê Me được thành lập ngày 7/8/2018; địa chỉ 178 Hùng Vương, phường Hội Thương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; hoạt động trong lĩnh vực trồng cây ăn quả; và người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Thạch.

Còn nhớ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/11/2021, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai từng chia sẻ với cổ đông, Công ty Lê Me đang sở hữu 5.000 ha đất tại Campuchia, đã làm thủ tục được 3.000 ha, còn lại 2.000 ha đang làm thủ tục. Trong thời gian tới, Lê Me sẽ xin thêm 5.000 ha đất, nâng tổng quỹ đất lên 10.000 ha.

Tính tới 31/12/2022, trên Báo cáo tài chính, Hoàng Anh Gia Lai đang ghi nhận khoản 440 tỷ đồng phải thu dài hạn liên quan hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Lê Me. Trong đó, khoản phải thu thể hiện phần vốn góp kinh doanh cho Lê Me ký ngày 8/9/2020 về việc hợp tác đầu tư vào dự án trồng cây ăn quả của Lê Me trong 4 năm, hợp đồng không yêu cầu lập pháp nhân mới, lợi nhuận sẽ được phân chia dựa trên kết quả kinh doanh của dự án, bắt đầu từ khi dự án phát sinh doanh thu. Tại thời điểm cuối năm 2022, dự án trên vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ bản và chưa phát sinh doanh thu.

Thêm nữa, tại thời điểm 31/3/2023, Hoàng Anh Gia Lai đang có khoản cho vay ngắn hạn 2.753,4 tỷ đồng tại CTCP Lê Me; cho vay dài hạn 589,14 tỷ đồng đối với CTCP Lê me; lãi cho vay ngắn hạn 721,58 tỷ đồng đối với CTCP Lê Me …

Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch đi ngang và không mở rộng

Trong năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu 5.120 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 1.130 tỷ đồng, tăng 0,4% so với thực hiện trong năm 2022.

Công ty cho biết, kế hoạch kinh doanh dựa trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước, thế giới diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn.

Đối với kế hoạch đầu tư, Công ty dự kiến duy trì quy mô 7.000 ha chuối; duy trì quy mô 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 600.000 con heo thịt mỗi năm.

Về hoạt động kinh doanh, trong tháng 4/2023, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 563 tỷ đồng, giảm 13,7% so với tháng trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 32 tỷ đồng, giảm 68,3% so với thực hiện trong tháng 3/2023.

Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu ngành chăn nuôi ghi nhận 166 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng doanh thu; doanh thu ngành cây ăn trái ghi nhận 248 tỷ đồng, chiếm 44% tổng doanh thu; và doanh thu ngành phụ trợ ghi nhận 149 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng doanh thu.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết kết quả kinh doanh tháng 4 đến chủ yếu từ doanh thu chuối mang lại. Trong khi đó, giá thịt heo tại thị trường trong nước vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của Công ty. Chính vì vậy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tháng 4/2023 không mấy khả quan.

Trước đó, trong báo cáo tháng 1, 2 và tháng 3, Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết lợi nhuận đạt được chủ yếu do doanh thu từ chuối.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.259,98 tỷ đồng, hoàn thành 44,1% kế hoạch doanh thu năm (kế hoạch 5.120 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 335,38 tỷ đồng, hoàn thành 29,7% so với kế hoạch năm 2023 (kế hoạch lãi 1.130 tỷ đồng).

Nhà đầu tư từ chối mua 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng/cổ phiếu

Ở một diễn khác, ngày 17/4/2023 là ngày kết thúc đợt chào bán riêng lẻ đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua ngày 17/1/2023. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai đã không hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo quy định.

Công ty lý giải nguyên nhân không chào bán thành công do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối chào mua.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, mục đích ban đầu đợt huy động vốn để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu. Tuy nhiên, không hoàn thành đợt chào bán, vì vậy Công ty thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn.

Đầu tiên, Công ty sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời, sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đầu tư sản xuất.

Thứ hai, Công ty sử dụng nguồn tiền từ việc thu nợ nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng anh Gia Lai và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.

Được biết, trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch đăng ký chào bán 161.904.760 cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/6, cổ phiếu HAG giảm 160 đồng về 8.030 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoang-anh-gia-lai-so-huu-them-toi-thieu-5000-ha-dat-tai-campuchia-d192174.html