Hoãn trình việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động

Quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung, đánh giá tại địa phương còn có nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ hơn, sửa đổi toàn diện hơn. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết như trên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có Nghị quyết 379/2017 đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012 ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết việc sửa đổi Bộ luật Lao động tác động lớn đến người lao động, nên khi điều chỉnh cần xin ý kiến rộng rãi: “Bên cạnh đó, quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung, đánh giá tại địa phương còn có nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ hơn, sửa đổi toàn diện hơn…” - ông Bốn lý giải.

Cũng theo ông Bốn, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì cần nghiên cứu cải thiện pháp luật, thiết chế và thực hành về lao động nhằm tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Một số vấn đề trước đây chưa quy định và cả đã quy định thì nay phải quy định rõ hơn trong luật như: Thời gian làm thêm, tiền lương, bình đẳng giới, điều kiện nghỉ hưu...

“Quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động cũng phải tiến hành xem xét, rà soát sao cho phù hợp với Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật Dân dự, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội ban hành sau…” - ông Hà Đình Bốn thông tin và cho biết ban soạn thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động sẽ giải trình nội dung sửa đổi luật vào thời gian thích hợp.

Theo Nghị quyết Trung ương 6 (ban hành tháng 11-2016) và Chương trình hành động của Chính phủ (ngày 25-4-2017) thì dự kiến kế hoạch hoàn thành sửa đổi Bộ luật Lao động là năm 2018.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/hoan-trinh-viec-sua-doi-bo-sung-bo-luat-lao-dong-702401.html