Hoàn thiện pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực kinh doanh khí

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 87 theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh gas.

Hội thảo "Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh Khí," do Hiệp hội Gas tổ chức ngày 22/9. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù đã có hành lang pháp lý để thực hiện mục tiêu đưa thị trường kinh doanh gas vào quy củ, nhưng sau một thời gian thực thi, thị trường gas đã nảy sinh nhiều bất cập, còn xảy ra nhiều vi phạm.

Chính vì vậy, tại Hội thảo: “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh Khí” do Hiệp hội Gas Việt Nam tổ chức ngày 22/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, giúp thị trường phát triển cạnh tranh và lành mạnh.

Nhiều bất cập nảy sinh

Đánh giá tại hội thảo cho thấy, sau gần 5 năm ban hành và thực thi, Nghị định 87/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí gas đã bộc lộc những vấn đề bất cập, nhiều quy định gây khó khăn vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh khí.

Đơn cử như quy định tuổi thọ vỏ bình gas tại Nghị định 87 là 26 năm, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này là không phù hợp với thực tế và gây lãng phí, khi việc kiểm tra chất lượng vỏ bình được thực hiện định kỳ.

Ông Nguyễn Khắc Trí, Phó Tồng Giám đốc Công ty Gas Petrolimex cho rằng, để tránh lãng phí cho xã hội hàng chục triệu vỏ bình sắp tới phải loại bỏ đi sẽ rất lãng phí, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, ông kiến nghị với Bộ Công Thương sửa đổi, điều chỉnh những quy chuẩn cần thiết về vỏ bình gas để nâng tuổi thọ vỏ bình.

Trong khi đó, tình trạng sang chiết gas lậu vẫn hoành hành, việc chiếm dụng vỏ bình gas vẫn diễn biến phức tạp, làm méo mó thị trường gas, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng và nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Điều này xuất phát từ việc chưa quy định rõ ràng trách nhiệm các bên trong hợp đồng cung cấp, mua bán gas.

Ông Nguyễn Khắc Trí, Phó Tồng Giám đốc Công ty Gas Petrolimex nêu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp cung cấp hàng trực tiếp cho hộ tiêu dùng dù là nhà máy, nhà hàng, khách sạn hay hộ tiêu dùng cá nhân thì phải theo các hợp đồng, trong những hợp đồng đó phải đàm bảo các quy định như thế nào cho chặt chẽ. Do vậy, cần làn rõ việc đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người bán hàng trực tiếp cũng như quyền lợi nghĩa vụ của người tiêu dùng trong lĩnh vực này.

“Cần sớm sửa đổi hành lang pháp lý để thị trường gas phát triển cạnh tranh, lành mạnh… trong đó, cần sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 87/2018 của Chính phủ theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh gas,” ông Trần Minh Loan đề xuất.

Còn theo ông Hosokoji Yu, Chủ tịch Công ty bán lẻ Gas Bình Minh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sopet Gasone, hiện tại ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về các điều khoản cần có trong hợp đồng cung cấp gas cho khách hàng (chẳng hạn như điều khoản khi thay đổi nhà cung cấp gas, trách nhiệm của người cung cấp gas, trách nhiệm của người sử dụng gas..), dẫn đến việc rất nhiều người tiêu dùng không nhận thức được trách nhiệm về đảm bảo an toàn của mình khi sử dụng gas.

Đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến cho người tiêu dùng sử dụng những bình gas bị san chiết trái phép, không đạt tiêu chuẩn về an toàn mà không hề hay biết, dẫn đến nguy cơ rủi ro cháy nổ cao trong gia đình.

“Vì vậy, việc ký kết hợp đồng cung cấp gas giữa nhà cung cấp gas và người tiêu dùng là cần thiết, cần có quy định cụ thể về nội dung trong hợp đồng cung cấp gas, để phân định rõ được trách nhiệm của người cung cấp gas và người tiêu dùng, nâng cao ý thức sử dụng gas an toàn cho người tiêu dùng,” đại diện Sopet Gasone nêu ý kiến.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Nêu kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực kinh doạnh gas, ông Hosokoji Yu cho hay, ở Nhật Bản, những người giao gas cho khách hàng từ bình gas 8kg trở lên thì bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ về bảo an và chứng chỉ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, trong khi ở Việt Nam, những người giao gas bằng xe máy vận chuyển bình gas 12kg và 45kg lại không bắt buộc phải có chứng chỉ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

Từ ví dụ này, theo ông, cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn cho người giao gas nhằm hạn chế việc tự ý vận chuyển hàng hóa gây nguy hiểm trên đường và tự ý lắp đặt gas cho người tiêu dùng trong khi không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn trong vận chuyển và lắp đặt gas.

Ông Hosokoji Yu, Chủ tịch Công ty bán lẻ Gas Bình Minh đề xuất bổ sung quy định về tiêu chuẩn cho người giao gas. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiện nay, thị trường kinh doanh gas đã có nhiều thay đổi, vì vậy để có thể quản lý tốt hơn lĩnh vực này, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo và lấy ý kiến để hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định số 87/2018/CP-NĐ về kinh doanh khí.

Đóng góp thêm ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Hoàng Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam, tại Khoản 2, Điều 17 của dự thảo quy định việc quy định bán đúng giá niêm yết là không thực tế trong môi trường cạnh tranh quyết liệt như thị trường LPG, nếu quy định như vậy sẽ đặt đại lý trong tình trạng luôn bị vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt bất kỳ lúc nào.

Do vậy, ông đề nghị sửa lại theo hướng “Chỉ bán LPG chai do thương nhân kinh doanh LPG chai cung cấp và phải niêm yết giá, không bán cao hơn giá niêm yết do thương nhân kinh doanh LPG chai quy định.”

Ngoài ra, tại điểm đ của dự thảo quy định việc: Niêm yết giá bán LPG chai/LPG chai mini và bán đúng giá niêm yết; chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng chai LPG/LPG chai mini bán cho khách hàng, theo ông Hoàng Việt Dũng, ý nghĩa của quy định này là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên chỉ cần quy định không bán cao hơn giá niêm yết.

“Trên thực tế do cạnh tranh, không thể bán đúng giá niêm yết, nếu quy định như vậy sẽ đặt đại lý trong tình trạng luôn bị vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt bất kỳ lúc nào, đề nghị sửa lại là: Niêm yết giá bán LPG chai/LPG chai mini và không bán cao hơn giá niêm yết; chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng chai LPG/LPG chai mini bán cho khách hàng,” ông Dũng góp ý thêm.

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại Hội thảo, các thành viên của Hiệp hội đã đưa ra thảo luận các vấn đề về công tác quản lý của Nhà nước trong việc cung cấp nguồn Khí, các chế tài đối với vi phạm quy định về quản lý Nhà nước trong kinh doanh LPG và công tác quản lý chuỗi phân phối cung cấp trực tiếp LPG đến người tiêu dùng. Ngoài ra, các thành viên hiệp hội cũng đã góp ý thêm đến các vấn đề về an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh LPG.

Nội dung thảo luận của Hội thảo đã nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc quản lý nguồn Khí, vai trò của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu Khí trong khâu cân đối cung cầu nguồn hàng cung cấp cho thị trường để hạn chế tình trạng thừa thiếu hàng cục bộ, ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi khi giá tăng.

Để thực hiện được mục tiêu này, các ý kiến cho rằng cần phải chú trọng đến mô hình quản trị nguồn hàng, xem xét quy định những doanh nghiệp có đủ năng lực cơ sở vật chất và có hệ thông phân phối Khí đảm nhiệm việc cung cấp nguồn hàng cho thị trường.

Sau Hội thảo này, Hiệp hội sẽ có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành chức năng ý kiến góp ý cho việc sửa đổi Nghị định số 87/2018/NĐ-CP nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả, hướng đến một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp hiệu quả cho kinh tế xã hội, an ninh năng lượng quốc gia./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoan-thien-phap-ly-tao-san-choi-binh-dang-cho-linh-vuc-kinh-doanh-khi/896015.vnp