Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khám, chữa bệnh

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, những tồn tại, bất cập hiện tại đang đặt ra yêu cầu về một hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn.

Sắp xếp lại hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà khẳng định: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Luật cũng bộc lộ một số bất cập. "Việc hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh không chỉ là kim chỉ nam để ngành y tế vượt qua những khó khăn trước mắt mà còn là định hướng lâu dài cho sự phát triển", đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Góp ý vào các nội dung cụ thể, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho biết, Điều 86 của dự thảo quy định cơ sở khám, chữa bệnh chia thành cấp khám, chữa bệnh ban đầu; cấp cơ bản và cấp chuyên sâu hoàn toàn phù hợp với các nghị quyết của Trung ương về tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục, lồng ghép theo 3 cấp. Tuy nhiên, cần cân nhắc bổ sung trong dự thảo luật quy định nguyên tắc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đặc biệt quan tâm tới cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

Đáng chú ý, theo ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, dự thảo Luật chưa làm rõ định nghĩa và phạm vi của y tế cơ sở để xác định được mục tiêu, quy mô đầu tư, mối liên hệ giữa y tế cơ sở và cấp khám, chữa bệnh ban đầu. Đại biểu nhận định, Việt Nam là nước có hệ thống và tổ chức mạng lưới “y tế cơ sở” với quy mô hàng đầu thế giới với các trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn. "Đây là mô hình kể cả cấp quốc gia phát triển trên thế giới cũng không có được. Thế nhưng, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe người dân từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng chỉ rõ cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình kết hợp khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế. Đặc biệt, phải xây dựng sự kết nối giữa cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên; quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, hài hòa giữa nguồn thu của các tuyến để bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống... "Hoạt động y học gia đình phải là mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý được sức khỏe người dân, kể cả người bị bệnh hay người khỏe mạnh, bình thường chứ không phải chỉ người bị bệnh mới được chăm sóc và điều trị", đại biểu nêu rõ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh sự thay đổi của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình 3 cấp phải đạt được những mục tiêu như giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở tuyến trên. Đồng thời, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất và hình thành được thói quen mới trong sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề vào dự thảo của luật; đồng thời cần luật hóa các hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực y tế...

Quy định rõ hơn khám, chữa bệnh từ xa

Riêng ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) lần này là quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ. Theo đại biểu, trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 với công cuộc chuyển đổi số đang triển khai mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bao gồm cả y tế mà dự thảo chỉ đề cập rất ít đến khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa là không đủ, thiếu tầm nhìn. "Đề nghị Ban soạn thảo tập trung soạn thảo đầy đủ, chặt chẽ và khả thi các quy định về khám chữa bệnh từ xa, có thể dành một chương để triển khai bổ sung các nội dung đã đề cập", đại biểu nêu quan điểm.

Với kinh nghiệm 40 năm làm nghề y, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng thẳng thắn đánh giá, chưa bao giờ luật pháp về y tế bị khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay. Những quy định của luật pháp hiện không còn phù hợp khiến hàng nghìn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc; hàng loạt vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng và người bệnh chịu thiệt thòi lớn nhất. "Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành y tế như: nhân lực, cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y... Đặc biệt, là việc hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề pháp lý trong lĩnh vực này", ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất.

Còn theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, sau những lần Việt Nam trải qua dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 vừa qua, việc bổ sung thể chế, quy định về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về hành nghề khám, chữa bệnh; đồng thời nâng cao chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh để theo kịp với sự phát triển của nền y học thế giới.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng đề nghị, bổ sung quy định về yêu cầu kiến thức và những chứng chỉ cần thiết của người hành nghề y, điển hình như: phải nắm rõ kiến thức khám, chữa bệnh; có chứng chỉ về nhận biết và phòng ngừa sự cố y khoa; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện… Dự thảo cũng cần quy định rõ, người bệnh và người đại diện chỉ ký cam kết đồng ý thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và chấp nhận rủi ro sau khi được thầy thuốc giải thích rõ ràng.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-cho-hoat-dong-kham-chua-benh-i292080/