Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về đất đai (kỳ 1)

Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai đã và đang là nhu cầu bức thiết của toàn xã hội. Thời gian qua, chúng ta đã chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này khiến nhiều bất cập đã nảy sinh trong thực tiễn mà vụ thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng là một ví dụ điển hình.

Bài 1: Bất cập trong quy định về hòa giải cơ sở

Để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, kể từ số báo này chúng tôi nêu ra một số bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành để các nhà hoạch định chính sách sớm quan tâm, giải quyết…

Thực tế thời gian qua cho thấy, tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp xảy ra phổ biến, rất phức tạp và hầu hết phải đưa ra giải quyết bằng con đường Tòa án. Rất khó để hạn chế tranh chấp, mà khi tranh chấp xảy ra rồi thì làm thế nào để “hóa giải” tranh chấp đó là vấn đề được nhiều cấp chính quyền quan tâm. Tuy nhiên, điều đáng nói là pháp luật về hòa giải ở cơ sở đối với tranh chấp đất đai hiện nay chưa có sự thống nhất, chưa có quy định cụ thể, từ đó gây khó khăn cho Tòa án trong việc xác định những loại tranh chấp nào phải tiến hành thủ tục hòa giải và những loại tranh chấp nào thì không phải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở.

Hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng. (Ảnh: Bảo Trân)

Hiện nay đang có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, những tranh chấp mà ai là người được quyền sử dụng đất thì mới bắt buộc phải hòa giải, còn những tranh chấp khác có liên quan đến quyền sử dụng đất như thừa kế, chia tài sản chung vợ chồng, tranh chấp hợp đồng thế chấp, chuyển nhượng… thì không bắt buộc hòa giải ở cơ sở. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, hòa giải ở xã, phường, thị trấn là thủ tục bắt buộc đối với các tranh chấp về đất đai, kể cả là những tranh chấp có liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất như trường hợp chia tài sản chung vợ chồng về quyền sử dụng đất.

Tại nhiều cuộc hội thảo liên quan đến đất đai mà ngành TAND tổ chức thì hầu hết các ý kiến đều cho rằng, trong thời gian tới cần quy định rõ theo hướng tranh chấp đất đai liên quan đến việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất thì việc hòa giải ở cơ sở là bắt buộc, còn đối với các tranh chấp có liên đến quyền sử dụng đất như: chia tài sản chung vợ chồng, tranh chấp hợp đồng thế chấp, chuyển nhượng… thì không bắt buộc phải tiến hành hòa giải ở cơ sở.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã hòa giải trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn. Điều 136 Luật Đất đai quy định, khi một bên hoặc các đương sự không nhất trí với kết quả hòa giải tại UBND cấp xã thì có quyền khởi kiện đến Tòa án để giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định nào xác định thời gian các bên tranh chấp tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã thì không tính vào thời hiệu khởi kiện. Do đó, khi xét thấy thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ việc giải quyết, khoảng thời gian mà các bên tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã không được trừ đi khi tính thời hiệu khởi kiện. Nhiều trường hợp thời gian hòa giải kéo dài, các bên hòa giải không thành, một bên đương sự gửi đơn đến Tòa án thì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, đương sự không còn quyền khởi kiện lại vụ án, do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của đương sự.

Về thành phần tham gia hòa giải tranh chấp đất đai. Theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai thì: “UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai”. Như vậy, các thành viên Mặt trận và các tổ chức xã hội là những ai thì chưa được quy định cụ thể dẫn tới mỗi địa phương áp dụng một cách khác nhau. Mặt khác, hiện nay cũng chưa có quy định trong trường hợp không đủ thành phần tham gia hòa giải thì có phải hoãn phiên hòa giải hay phải tiến hành hòa giải lại hay không. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2003 và các quy định khác của pháp luật cũng chưa có quy định hiệu lực pháp luật của biên bản hòa giải thành trong trường hợp UBND cấp xã hòa giải thành vụ việc tranh chấp đất đai. Pháp luật hiện hành không có quy định cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định công nhận, trình tự công nhận, hiệu lực bắt buộc các bên thực hiện biên bản hòa giải thành, từ đó dẫn đến không khuyến khích các bên hòa giải, hạn chế hiệu quả của công tác hòa giải.

Theo một số chuyên gia pháp lý của TANDTC cho rằng cần nghiên cứu khắc phục những bất cập nêu trên và cần có cơ chế để Tòa án xem xét, quyết định việc công nhận kết quả giải thành các tranh chấp đất đai khi các bên có yêu cầu. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên tranh chấp căn cứ vào biên bản hòa giải thành tại UBND cấp xã sẽ có giá trị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

Hoài Văn
(Còn nữa)

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/hoan-thien-co-che-chinh-sach-phap-luat-ve-dat-dai-ky-1-c1034n20120327175618187p0.htm