Hoại tử nặng do tự điều trị rắn cắn suốt 20 năm

1 người bị rắn cắn cách đây 20 năm nhưng không đến bệnh viện chữa trị mà tự ý điều trị tại nhà dẫn đến hoại tử, lở loét vùng cổ chân.

Ngày 30-11, bác sĩ Nguyễn Duy Quang – Khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết vừa phẫu thuật thành công theo phương pháp chuyển vạt da sau cho bệnh nhân HVO (55 tuổi, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) bị hoại tử do rắn cắn.

Đáng chú ý, bệnh nhân bị rắn cắn nhưng không đến bệnh viện mà tự điều trị suốt 20 năm, dẫn đến nhiễm trùng, ổ loét, khuyết hổng lộ xương, lộ gân chân.

Bệnh nhân kể, khoảng 20 năm trước khi đi làm ngoài ruộng thì bị rắn cắn vào cổ chân phải. Tại thời điểm thấy rắn cắn không phải là rắn độc nên anh đã về nhà, tự xử lý vết thương.

 BS Nguyễn Duy Quang – Khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân bị rắn cắn sau ca phẫu thuật thành công. Ảnh: NH

BS Nguyễn Duy Quang – Khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân bị rắn cắn sau ca phẫu thuật thành công. Ảnh: NH

Sau đó vết rắn cắn lành có để lại sẹo co rút cổ chân và các ngón chân khiến bệnh nhân khó khăn trong việc co duỗi cổ chân và vận động các ngón chân.

Khoảng 4 tháng trước, khi đến bệnh viện khám thì bệnh nhân thấy sẹo vùng cổ chân phải loét, chảy dịch nhiều, vết loét đau nhức, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày cũng như công việc.

Nghĩ là bình thường nên bệnh nhân ở nhà tự mua thuốc bôi nhưng vẫn không đỡ, thậm chí ổ loét ngày càng lan rộng, sâu, hoại tử hết phần da, thịt vùng cổ chân phải.

Do thấy bệnh tình ngày càng nặng, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.

Qua thăm khám các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử nặng cổ chân phải, tạo ổ loét rộng có kích thước 20x15 cm.

Các bác sĩ quyết định cắt bỏ ổ loét nhiễm trùng, sử dụng phương pháp phẫu thuật chuyển vạt Sural che phủ vùng cổ chân phải, giải phóng sẹo co rút cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bệnh nhân tỉnh táo, hồi lưu máu vạt tốt.

Sau 7 ngày phẫu thuật, tình trạng vạt da ghép hồng hào, vết mổ khô, ổ loét cổ chân phải đã được che phủ kín, bệnh nhân không còn đau nhức và tập vận động co duỗi bàn chân tốt, các ngón chân không còn hiện tượng co rút.

Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.

Khi có các vết thương dù rất nhỏ, người bệnh cũng không nên tự ý điều trị tại nhà, cần sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt hơn, tránh nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương lan rộng, cũng có thể ung thư hóa cao.

BS Nguyễn Duy Quang – Khoa Chỉnh hình – Bỏng, BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

ĐẶNG TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoai-tu-nang-do-tu-dieu-tri-ran-can-suot-20-nam-post764221.html