Hoài Đức: Cơ sở sản xuất thạch còn nhiều tồn tại về an toàn thực phẩm

Ngày 2/5, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra tại huyện Hoài Đức nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5).

Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, huyện có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận. Từ năm 2019 - 2023 huyện có 103 sản phẩm là thực phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 77 sản phẩm được đánh giá 4 sao và 26 sản phẩm được đánh giá 3 sao.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong phát biểu tại buổi làm việc với huyện Hoài Đức.

Toàn huyện có 2.002 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 18 siêu thị mini, 14 chợ hạng III. Trong Tháng hành động vì ATTP, huyện thành lập 23 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, 3 đoàn tuyến huyện; 20 đoàn tuyến xã, thị trấn.

Kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đức Hạnh (Cụm Công nghiệp Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức).

Các đoàn tuyến huyện đã kiểm tra 6 cơ sở (5 cơ sở sản xuất, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống), xử phạt 5 cơ sở 72 triệu đồng. Các đoàn tuyến xã, thị trấn đã kiểm tra, giám sát 68 cơ sở (trong đó, 11 cơ sở sản xuất, 13 cơ sở kinh doanh, 44 cơ sở dịch vụ ăn uống), xử phạt 2 cơ sở sản xuất 4 triệu đồng.

Lỗi vi phạm chủ yếu là do các cơ sở sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đoàn kiểm tra kho bảo quản sản phẩm thạch.

Qua kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đức Hạnh (Cụm Công nghiệp Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức), Đoàn kiểm tra liên ngành của TP ghi nhận, cơ sở sản xuất 3 sản phẩm thạch, kẹo và sô cô la. Trong đó, kẹo thạch zai zai là chủ đạo, với sản lượng 150-180 tấn/năm.

Qua kiểm tra, đoàn lưu ý sản phẩm thạch sau khi sản xuất cần đóng gói trong túi ni lông theo bảng công bố ngoài hộp bìa catton.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành nhận thấy, cơ sở vật chất nhà xưởng xuống cấp, trần, tường, nền nhà ẩm mốc, bong tróc. Trong kho bảo quản sản phẩm không có ẩm kế, nhiệt kế. Do đó, Đoàn liên ngành lưu ý, cơ sở cần nâng cấp nhà xưởng, trang bị điều hòa, ẩm kế, nhiệt kế. Hệ thống cống, cửa nhà xưởng cần phải vệ sinh, bụi bám bẩn.

Đoàn liên ngành lưu ý, cơ sở cần nâng cấp nhà xưởng, trang bị điều hòa, ẩm kế, nhiệt kế.

Đặc biệt, trong khu sản xuất, giữa nhà xưởng có nhà vệ sinh, Đoàn kiểm tra nhắc nhở, cơ sở phải bố trí lại khu vệ sinh sao cho phù hợp. Phía sau khu sản xuất chứa nhiều phế phẩm, sắp xếp lộn xộn, cơ sở cần khắc phục, dọn dẹp vệ sinh.

Khu vực sản xuất thạch.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng lưu ý cơ sở cần trang bị đầy đủ giày dép, đồ bảo hộ lao động cho công nhân. Cơ sở nên có biện pháp phòng chống côn trùng, động vật gây hại, tránh sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng. Mặt khác, sản phẩm thạch sau khi sản xuất cần đóng gói trong túi ni lông theo bảng công bố ngoài hộp bìa catton.

Khu vực đóng gói sản phẩm thạch

Ngoài ra, cơ sở chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, Đoàn liên ngành yêu cầu cơ sở khắc phục ngay tồn tại trên.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoai-duc-co-so-san-xuat-thach-con-nhieu-ton-tai-ve-an-toan-thuc-pham.html