Hoài bão toàn cầu bắt đầu từ trong nước

Thông qua những khát vọng chính sách đối ngoại để đưa đất nước trở thành một trong những quốc gia quan trọng của thế giới, Ấn Độ đã thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ trong nước cho dù trong quá trình thực hiện vấp phải không ít rào cản.

Sự chuyển mình ấn tượng

Theo The Diplomat, Ấn Độ đang thu hút sự chú ý toàn cầu khi bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) từ đầu tháng 12.2022 và hoàn thành nhiệm kỳ hai năm trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chưa hết, quốc gia đông dân nhì thế giới cũng đảm nhận chức Chủ tịch của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 9, đồng thời chủ trì cuộc họp của các quan chức cấp cao của nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) cũng trong tháng này.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Thực tế, Ấn Độ có sự chuyển mình từ lâu. Thế giới đã chào đón khoảnh khắc của nước này trong quá trình tự do hóa kinh tế dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao (1991 - 1996), chính sách đối ngoại táo bạo hơn của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee (1998 - 2004) và mức tăng trưởng gần hai con số của đất nước trong những năm đầu cầm quyền của Thủ tướng Manmohan Singh (2004 - 2014).

Ngày nay, Ấn Độ được dự đoán là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, với Ngân hàng Thế giới gần đây đã nâng cấp dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của đất nước từ 6,5% lên 6,9%. Ấn Độ vượt qua Vương quốc Anh trong năm nay để trở thành nền kinh tế lớn thứ Năm thế giới và dự kiến sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ Tư thế giới vào năm 2027.

Theo Liên Hợp Quốc, Ấn Độ cũng duy trì lợi thế nhân khẩu học với dân số sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này được bổ sung bởi một nhóm lớn các chuyên gia công nghệ thông tin, hệ sinh thái kỹ thuật số rộng lớn và luật pháp nhằm tận dụng những điểm mạnh trên. Đó là Dự luật mới về Bảo vệ dữ liệu kỹ thuật số được giới thiệu vào tháng 11. Đây là một trong trong số các văn bản pháp luật được xây dựng nhằm hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số của quốc gia, bao gồm Dự luật Viễn thông và Đạo luật Kỹ thuật số của Ấn Độ sắp tới. Các giải pháp công nghệ như thẻ Aadhaar cũng đã được sử dụng để củng cố hệ thống phúc lợi xã hội gia.

Ấn Độ còn là quốc gia được hưởng lợi từ nỗ lực tách rời và đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh thực hiện chính sách Zero Covid và căng thẳng địa chính trị với Mỹ. Một ví dụ điển hình là quyết định của Apple xây dựng mẫu iPhone mới nhất của mình ở Ấn Độ. Việc thúc đẩy thiết lập hoặc mở rộng chuỗi cung ứng ở Ấn Độ cho các công nghệ quan trọng và mới nổi khác cũng vậy, từ chất bán dẫn (đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế chip) đến hydro (nơi Ấn Độ đang nổi lên như nhà sản xuất chất điện phân quan trọng) và amoniac (nơi Ấn Độ đang nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới).

Việc công nhận tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Ấn Độ còn được phản ánh trong việc thành lập Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU - Ấn Độ (quốc gia thứ hai (sau Mỹ) mà EU đã thành lập diễn đàn như vậy) cũng như sự tham gia của Ấn Độ vào Chuỗi cung ứng Sáng kiến phục hồi tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Những bước phát triển này được hỗ trợ bởi các chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” và “Atmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường) của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp Ấn Độ. Ngoài ra, Chính phủ cũng tăng tốc nhanh chóng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nhiều dự án nổi tiếng bị trì hoãn dưới thời các chính phủ trước đó.

Đi qua nhiều thách thức

Mặc dù có những phát triển vượt bậc, một số nhà phân tích nhận định, Ấn Độ vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng toàn cầu của mình vì phải đối mặt với nhiều thách thức từ cải cách trong nước, vốn từ trước đến nay là mắt xích yếu nhất trong hoạt động can dự với bên ngoài của New Delhi.

Không có ví dụ nào tốt hơn về điều này ngoài Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ (được đổi tên thành “Hành động hướng Đông” vào năm 2014). Chính sách “Hướng Đông” được đưa ra vào đầu những năm 1990 như một phần trong nỗ lực nâng cao tầm quan trọng của Đông Nam Á (và sau đó là Đông Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn) trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Tuy nhiên, hội nhập khu vực của Ấn Độ luôn phụ thuộc vào tốc độ của chương trình cải cách trong nước. Ví dụ, các rào cản trong việc tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng nội địa đã ngăn cản Ấn Độ tận dụng tối đa sự gần gũi về địa lý và các mối liên kết lịch sử với Đông Nam Á. Điều đó đã được minh họa bằng sự tương phản giữa lời hoa mỹ rằng vùng Đông Bắc của Ấn Độ được coi là “cửa ngõ tự nhiên của Ấn Độ đến Đông Nam Á và xa hơn nữa” và thực tế về sự chậm trễ trong việc hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng kết nối Ấn Độ và Đông Nam Á, chẳng hạn như Dự án đường cao tốc ba bên và Dự án Giao thông vận tải đa phương thức Kaladan.

Một thách thức lặp đi lặp lại khác trong quá trình thực hiện chính sách “Hướng Đông” là các cường quốc khu vực đặt câu hỏi về khả năng duy trì tăng trưởng và đà cải cách của Ấn Độ. Chính điều này từng thúc đẩy quyết định ban đầu của ASEAN trao cho Ấn Độ quy chế đối tác đối thoại theo ngành thay vì đầy đủ vào năm 1992. Nguyên nhân là trong khi Ấn Độ thực hiện các cải cách thế hệ thứ nhất - giảm thuế nhập khẩu, loại bỏ các hạn chế xuất khẩu và cho phép chuyển đổi tiền tệ - thì thế hệ thứ hai làn sóng tự do hóa kinh tế - tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cơ cấu, bao gồm sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lý khó khăn đối với các vấn đề như thu hồi đất, bãi bỏ quy định thị trường lao động và thoái vốn (tư nhân hóa) các doanh nghiệp thuộc khu vực công (doanh nghiệp nhà nước) - vẫn diễn biến chậm

Vị thế của Ấn Độ trong khu vực lại bị giáng thêm đòn mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1999, làm chậm lại sự tham gia kinh tế của nước này với khu vực. Hơn nữa, mặc dù chính phủ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn rõ ràng là kể từ khi Ấn Độ tự do hóa kinh tế vào những năm 1990, các chính sách kinh tế bảo thủ vẫn còn. Điều đó được phản ánh trong tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán thương mại với các nước láng giềng. Các mục tiêu thương mại Ấn Độ - ASEAN là 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2022 đã bị bỏ lỡ…

Dẫu vậy, quyết định của New Delhi rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2019 tái khẳng định mối liên hệ giữa động lực cải cách trong nước của Ấn Độ và cam kết hướng Đông của nước này. Quyết định trên một phần được thúc đẩy do những lo ngại các ngành công nghiệp Ấn Độ không thể cạnh tranh với các đối tác châu Á (đặc biệt là Trung Quốc). Mặc dù Ấn Độ gần đây ký kết các Hiệp định Thương mại song phương với Australia và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, nhưng họ vẫn kém mặn mà với các hiệp định đa phương.

Ngoài việc Ấn Độ ít mong muốn tái gia nhập RCEP, điều này còn được chứng minh qua việc New Delhi vắng mặt trong trụ cột thương mại của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ lãnh đạo mà Ấn Độ đã tham gia vào tháng 6. Theo các nhà phân tích, New Delhi sẽ cần phải vượt qua những trở ngại vừa nêu nếu muốn nâng cấp vị thế của mình từ một bên tham gia thứ cấp lên một bên tham gia chính trong cấu trúc khu vực.

Cơ hội chiến lược

Ấn Độ đang ở giữa thời kỳ của cơ hội chiến lược do nước này đóng vai trò trung tâm trong một số cuộc tranh luận toàn cầu quan trọng. Điều này trở nên rõ ràng sau cuộc chiến ở Ukraine, khi Ấn Độ được các quốc gia ở cả hai bên của cuộc xung đột lôi kéo về phía mình. Điều này nhằm chứng minh cam kết lâu dài của Ấn Độ đối với quyền tự chủ chiến lược trong chính sách đối ngoại, và từ chối đứng về phía nào trong cuộc xung đột. Thay vì một hệ thống quốc tế lưỡng cực xoay quanh Trung Quốc - Mỹ, trật tự toàn cầu mới nổi có thể sẽ đa trung tâm hoặc đa cực hơn với các cường quốc tầm trung và các cường quốc toàn cầu đầy tham vọng như Ấn Độ nắm giữ nhiều quyền tự quyết hơn.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ là lĩnh vực trọng tâm chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 khi Ấn Độ tìm cách nhấn mạnh các vấn đề về tài chính và công bằng khí hậu. Chương trình Mission Life (Lối sống vì môi trường) của Thủ tướng Modi sẽ thúc đẩy tính bền vững và nền kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra còn có đề xuất về Liên minh nhiên liệu sinh học quốc tế, tương đương với vai trò trước đây của Ấn Độ trong việc dẫn đầu Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ cũng rất đúng lúc vì nó trùng với thời điểm Nhật Bản giữ chức chủ tịch G7, điều này sẽ cho phép cải thiện sự phối hợp giữa hai nền dân chủ hàng đầu châu Á về các vấn đề quản trị toàn cầu. Chủ tịch G20 của Ấn Độ cũng là một phần của bộ ba Chủ tịch G20, bao gồm Indonesia, Ấn Độ và Brazil, sẽ nâng cao tiếng nói của Nam bán cầu.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hoai-bao-toan-cau-bat-dau-tu-trong-nuoc-i312651/