Hoạch định tương lai Tây Ninh

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29.12.2023. Trước đó, HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 ban hành Nghị quyết 117 thông qua Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh là căn cứ để triển khai lập quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo quy định của pháp luật; đồng thời xác định tầm nhìn, không gian phát triển, động lực phát triển dài hạn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm tặng quà lưu niệm cho quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhân chuyến thăm Tây Ninh (Ảnh: Phương Thúy)

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI DỰA TRÊN 7 TRỤ CỘT

Nghị quyết 117 của HĐND tỉnh nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh dựa trên 7 trụ cột.

Thứ nhất, tiếp cận cân bằng có trọng tâm giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, điều chỉnh bằng công cụ chính sách trên tinh thần phát triển bền vững thông qua kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. “Phát triển nhanh, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển vùng động lực phía Nam và vùng trung tâm, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đặt tầm nhìn xa, lộ trình vừa sức và có tính linh hoạt cao theo tinh thần hướng đến mục tiêu gia nhập nền kinh tế tri thức vào năm 2040. Các mục tiêu cao cần vạch ra lộ trình thực tế, rõ ràng và vừa sức, dựa trên phân tích tính ưu tiên trong thực thi, thiết kế chính sách mềm dẻo, có phương án thích nghi với các biến động của khu vực và thế giới.

Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị công, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. “Chính quyền kiến tạo, liêm chính, năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, tạo động lực, khai thác tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Chủ động, tích cực tham gia chuyến đổi số toàn diện, đồng bộ, xây dựng chính quyền điện tử góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI…” - Nghị quyết nêu.

Thứ tư, xây dựng “Tây Ninh xanh”. Yếu tố “xanh” vừa là mục tiêu vừa là phương tiện phát triển của tỉnh. Cụ thể, từng bước chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng, chính sách để thu hút vốn, công nghệ, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Nhận diện và phát triển các cụm ngành sản phẩm mang tính chiến lược với trọng tâm là các khâu chế biến và dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với việc làm ổn định cho người dân. Tây Ninh chủ động tận dụng cơ hội từ quá trình lan tỏa phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phát triển công nghiệp, đô thị - thương mại - dịch vụ vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ.

Thứ năm, giảm lệ thuộc tài nguyên, ưu tiên đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Thứ sáu, chủ động gia nhập thị trường. Tây Ninh tích cực xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm địa phương hướng đến đối tượng, thị trường mang lại giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành thương mại dịch vụ. Thay đổi tư duy từ sản xuất kinh doanh đơn thuần sang kinh tế tuần hoàn có giá trị gia tăng cao, khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại hiện đại, phi truyền thống như thương mại điện tử, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu gắn với Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Thứ bảy, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong đó, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, chủ quyền lãnh thổ là điều kiện tiên quyết, phát triển kinh tế là trọng tâm. Nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Bảy đột phá phát triển của tỉnh
Tây Ninh

Phát triển hạ tầng

Phát triển nguồn nhân lực

Về thể chế

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phát triển bền vững: Tây Ninh xanh

Phát triển du lịch

Phát triển kinh tế dịch vụ

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2050

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Ký kết hợp tác giữa tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 (Ảnh: An Hiếu)

Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất, lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, hướng đến nhóm tiên tiến của cả nước.

Đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của nhân dân được nâng lên. Tây Ninh mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Tây Ninh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Toàn cảnh Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen nhìn từ trên cao (Ảnh: Sun Group)

BA VÙNG, BỐN TRỤC, MỘT VÀNH ĐAI

Theo quy hoạch, Tây Ninh tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “ba vùng phát triển, bốn trục động lực, một vành đai an sinh xã hội”. Cụ thể như sau:

Vùng 1: Gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu. Vùng này phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm phát triển của vùng là tam giác Trảng Bàng - Phước Đông - Gò Dầu.

Vùng 2: Gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành. Vùng này là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến gồm công nghiệp hỗ trợ, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3: Gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến cầu. Đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội, du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

Đến năm 2030, phấn đấu có 16 đô thị

1 đô thị loại II là thành phố Tây Ninh (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I).

3 đô thị loại III gồm: các thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành và huyện Gò Dầu (bao gồm cả Phước Đông).

5 đô thị loại IV gồm: các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (bao cả gồm xã Bàu Năng).

7 đô thị mới loại V gồm các xã Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; xã Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và xã Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.

Bốn trục phát triển gồm có:

Trục số 1: Gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc Nam chính của tỉnh.

Trục số 2: Gắn với tuyến đường N2 và quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương, Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với quốc lộ 13, quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3: Gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa Khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với TP. Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc, kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4: Gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương, Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Vành đai an sinh xã hội: Gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, đây là hành lang hỗ trợ an ninh quốc phòng, an sinh cho vùng phía Bắc.

Toàn cảnh thành phố Tây Ninh. Ảnh: Tâm Giang

LỰA CHỌN MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG CAO

Trên cơ sở Quyết định 775/QĐ-TTg ngày 8.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tây Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch.

Theo đó, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các các bộ, ngành liên quan và đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo đảm đúng quy trình, khoa học, bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển của quốc gia, của vùng Đông Nam bộ và phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Quy hoạch tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương khoảng 7.700 USD); phấn đấu du lịch đóng góp trên 10% GRDP...

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy không phải cho một nhiệm kỳ mà cho giai đoạn dài hạn với khát vọng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và tỉnh đã lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao. Việc lựa chọn một kịch bản phát triển cao, có những định hướng mang tính đột phá trong quy hoạch đã được tính toán kỹ. Tốc độ tăng trưởng liên quan đến dự án đề xuất và dồn tham vọng tăng trưởng cho giai đoạn 2026-2030 khi trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án động lực được triển khai.

Từ những định hướng, mục tiêu cụ thể của Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh sẽ triển khai hiện thực hóa bằng các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành và các giải pháp mang tính liên kết vùng vì lợi ích chung, vượt qua ranh giới tư duy địa phương, góp phần phát triển vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Theo kế hoạch, chiều ngày 5.5, tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong buổi sáng cùng ngày, tỉnh đăng cai tổ chức hội nghị giao ban vùng Đông Nam bộ. Cả hai hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ cùng đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Việc tổ chức công bố quy hoạch tỉnh nhằm truyền tải nội dung chính của quy hoạch; thông tin danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, thông điệp của tỉnh đến nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, hiểu và thống nhất về nhận thức để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Đây cũng là dịp để tỉnh Tây Ninh kết hợp giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; kêu gọi thu hút các nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Để chuẩn bị cho hội nghị công bố quy hoạch, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và phân công phục vụ hội nghị với các nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị, địa phương. Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo việc chuẩn bị, bảo đảm hai hội nghị quan trọng này được tổ chức thành công, trở thành một dấu mốc quan trọng, góp phần hoạch định tương lai Tây Ninh trong 10 đến 30 năm tới.

Việt Đông - Phương Thúy

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hoach-dinh-tuong-lai-tay-ninh-a172264.html