Hoa về trên những bàn tay...

Năm mới đến rồi! Tiếng bầy trẻ reo lên như thế khi mẹ tôi gỡ đi tờ lịch cuối cùng của năm cũ. Gỡ lịch cũ, treo lịch mới - với gia đình tôi, việc đó luôn được thực hiện như một nghi lễ.

Sau khi gỡ đi tờ lịch cuối cùng, bao giờ mẹ tôi cũng dùng một chiếc khăn mềm lau sạch bụi bặm bám trên mảng tường ấy. Lúc ấy, bố tôi đã lắp xong cuốn lịch mới vào tấm bìa cứng, đã bỏ đi lớp vỏ bọc, để lộ ra tờ lịch đầu tiên của năm mới với dòng chữ đỏ chót - Tết Dương lịch.

Tôi không nhớ chúng tôi đã cùng nhau thực hiện nghi lễ đó bao nhiêu năm, không nhớ bao nhiêu năm tháng đã trôi qua trên bức tường ấy nhưng tôi nhớ, bố tôi bao giờ cũng nhắc: Các con phải biết quý trọng thời gian, phải dùng thời gian của mình để làm thật nhiều việc tốt. Bây giờ, có nhiều cách để xem lịch nhưng gia đình tôi vẫn giữ nếp cũ. Vẫn treo lịch, xé lịch hằng ngày và vẫn ghi chú trên một số tờ lịch rồi cất nó vào chiếc túi đựng giấy.

Có nhiều tờ lịch cũ được bố ghi chép rất cẩn thận về những việc trong gia đình, ví như ngày mẹ gieo luống cải đầu tiên... Ảnh Internet

Có khi đó là ngày mẹ gieo luống cải đầu tiên, là ngày cho đàn gà ấp, ngày bố chiết cành chanh, cành bưởi, là ngày đứa cháu mọc cái răng sữa thứ nhất, là ngày bố ươm một giống hoa nào đó trong vườn... Những việc vụn vặt nhưng đầy niềm vui. Bởi thế, bố tôi bao giờ cũng viết thật nắn nót. Tôi cứ tưởng như có một loài hoa nào đó đã nở thật thơm tho trong từng nét chữ ấy.

- Độ này, nếu còn sống thì khoảnh vườn nhà bác, lay ơn, thược dược đã lên xanh rồi đây! - Bố tôi bất chợt thốt lên như thế khi lần giở lại những tờ lịch có ghi chú của năm cũ. Bác tôi là một người yêu hoa vô ngần. Trên khoảnh vườn nhỏ xíu trước nhà bác những năm xưa thật xưa ấy, chưa bao giờ không có hoa nở. Khi thì hồng quế, khi thì violet, lưu ly, khi thì hoa mười giờ, khi thì cúc vạn thọ. Và trong những ngày tết cổ truyền thì luôn rực màu lay ơn, thược dược.

Mỗi mùa xuân đến, luôn có những loài hoa báo xuân, đón xuân, mừng xuân nở trên tay người vun xới. Ảnh Internet

Chẳng có giống hoa nào qua bàn tay ươm trồng của bác mà không nở hoa sum suê. Chúng tôi ít nhiều đã học được từ bác tinh thần yêu hoa ấy nên trước sân nhà, dù qua bao lần thay đổi vẫn luôn trừ lại một khoảnh đất để trồng hoa. Để mỗi mùa xuân đến, luôn có những loài hoa báo xuân, đón xuân, mừng xuân nở trên tay người vun xới.

Năm mới đến thật rồi! Tiếng bầy trẻ lại reo lên như thế khi chúng phát hiện trên khóm cúc vạn thọ, nụ hoa đầu tiên đã chúm chím mở cánh!

- Ai dạy các con hay vậy?

- Là ông nội đó! Là ông ngoại đó! - mỗi đứa trả lời theo cách riêng của mình và mải mê khám phá những nụ mầm trên khóm cúc, trên gốc đào phai ông vun trồng đón tết! Một ngày bình yên đã lại bắt đầu...

Và sáng nay, khi tờ lịch đầu tiên mở ra, tôi đã thầm ngân nga câu hát ấy - “Mùa xuân vừa đến, hoa về trên những bàn tay...”. Ảnh Internet

Bố tôi vẫn thường nói, mỗi một ngày trôi qua, được xé đi một tờ lịch cũ trong bình yên là một niềm hạnh phúc lớn. Có lẽ bố mẹ tôi cũng đã thầm gửi vào những lật giở ấy thật nhiều nguyện ước. Để chúng tôi luôn có những ngày tháng bình an, luôn có cơ hội sống tử tế mỗi ngày. Và sáng nay, khi tờ lịch đầu tiên mở ra, tôi đã thầm ngân nga câu hát ấy - “Mùa xuân vừa đến, hoa về trên những bàn tay...” khi nghĩ về bác tôi, về bố mẹ tôi và những bàn tay đang ươm ủ những nụ mầm đón chào năm mới. Bất giác, tôi muốn tách câu hát ấy ra khỏi chủ thể của nó để đề từ cho câu chuyện mùa xuân của riêng mình...

Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoc/hoa-ve-tren-nhung-ban-tay/259626.htm