Hòa Vang anh dũng, cuộc sống diệu kỳ

"Bây giờ trên Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang xưa đã được phủ kín mầu xanh của bạt ngàn keo lá tràm, hàng trăm ngôi nhà ngói đỏ đã được xây dựng cho đồng bào Cơ Tu. Mầu xanh ấy thể hiện sức mạnh bền bỉ, và cuộc sống diệu kỳ đang từng ngày đổi thay trên mảnh đất Hòa Vang anh dũng...".

Đó là lời tâm sự của Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc Nguyễn Văn Lớ khi chúng tôi cùng lên thăm Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Lửa yêu nước cháy trên quê cách mạng 'Hòn đá Đà Nẵng' ở trên độ cao hơn 300 m so với mặt nước biển, có thể coi là biểu tượng của truyền thống yêu quê hương, đất nước và tinh thần chịu đựng hy sinh một lòng một dạ kiên trung với Đảng và Bác Hồ của nhân dân Hòa Vang. Đây từng là nơi làm việc, sinh hoạt của Huyện ủy Hòa Vang, nơi diễn ra các đợt huấn luyện, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Ở vị trí này, có thể nhìn được một cách tổng thể về vùng quê cách mạng Hòa Vang hôm nay, với những cánh đồng lúa mướt xanh, nhiều ngôi nhà mới khang trang, hàng loạt công trình đang được xây dựng. Và tôi cảm nhận được hơi thở cuộc sống đang dâng tràn ở nơi này. Nhưng để có được cuộc sống thanh bình hôm nay, cùng với đồng bào cả nước, trên khu căn cứ cách mạng này đã có không biết bao máu xương của cha ông thấm đỏ. Vào những năm 1946 - 1947, nơi đây được chọn làm căn cứ cách mạng của Huyện ủy Hòa Vang thuộc Khu ủy Khu V, tên gọi 'Hòn đá Đà Nẵng' cũng bắt đầu từ đó. Mảnh đất này từng chứng kiến quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Nẵng trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Với một sức mạnh quật cường của tinh thần yêu nước, quân dân Hòa Vang đã tiến hành hàng nghìn trận đánh lớn nhỏ, lập nên nhiều chiến công mà tiêu biểu là đánh bại ba cuộc hành quân của quân đội Pháp trên đèo Hải Vân, rồi các chiến thắng Gò Hà, Bàu Giăng, Đá Đen, Lệ Sơn, quận lỵ Hòa Vang, sân bay Đà Nẵng, Non Nước. Hình ảnh những mẹ già, những em thơ một lòng son sắt với cách mạng, sẵn sàng đối diện với kẻ thù đã được lịch sử ghi lại như những minh chứng về phẩm chất của con người đất Quảng. Trong ký ức của người dân Hòa Vang nói riêng, và người dân Đà Nẵng nói chung, không bao giờ quên ơn những người mẹ, người vợ vừa tăng gia sản xuất, làm căn cứ cho cách mạng, một lòng một dạ theo cách mạng, không sợ đầu rơi, máu chảy, tù đày tra tấn. Họ dũng cảm cất giấu vũ khí, chở che, nuôi nấng các đồng chí lãnh đạo và lực lượng cách mạng hoạt động ngày đêm trong lòng địch. Vững tin vào Đảng, điều tâm huyết ấy đã nằm trong máu thịt của những người dân Hòa Vang. Thế hệ tiếp thế hệ, đoàn kết một lòng xây dựng bức điểm tựa cho phong trào cách mạng ở cách mạng Đà Nẵng, góp phần không nhỏ vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Trong những năm kháng chiến đầy gian khổ đó, hàng nghìn người dân vô tội bị giết hại, hàng nghìn ngôi nhà bị đốt cháy, hàng nghìn người bị giam cầm, tù đày, hàng vạn người phải sống trong cảnh không nhà cửa với mảnh đất trơ trọi đã bạc màu vì bom đạn,... nhưng nhân dân Hòa Vang vẫn kiên định, và bền bỉ tinh thần đấu tranh, chịu đựng gian khổ, dũng cảm hy sinh. Trên đất Hòa Vang - Đà Nẵng, hôm nay, dường như mỗi con đường, mỗi ngõ phố, mỗi cánh đồng, dòng sông đều thấm đẫm máu đào của bao anh hùng liệt sĩ. Năm 2007, tôi gặp Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tại Khu Đài tưởng niệm và tôn vinh cán bộ, chiến sĩ Đoàn 575 trên ngọn đồi cao của xã Hòa Phong. Lúc đó, ông cùng đoàn cựu chiến binh Đoàn 575 mang hai cây đa từ miền bắc vào trồng trên Khu tưởng niệm. Ông nguyên là chiến sĩ, Chính trị viên Đại đội 11 của Đoàn 575 - và có 15 năm sống, chiến đấu trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông đã dành cho mảnh đất Hòa Vang ruột thịt những tình cảm chân thành: 'Tôi biết ơn vô cùng những người mẹ, người chị ở Hòa Vang đã kiên cường, bất khuất trước trăm ngàn khó khăn, gian khổ chồng chất của chiến tranh để giúp đỡ chúng tôi. Họ đã cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt để sống và chiến đấu. Tôi mong vong linh của ngót một nghìn chiến sĩ pháo binh vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này được sưởi ấm bằng tình cảm đặc biệt ngày xưa, và bây giờ - hai cây đa này sẽ là sợi dây bền chặt kết nối tình cảm giữa miền trung - miền bắc. Để cuộc sống mãi bình yên, và mảnh đất Hòa Vang kiên cường, anh dũng sẽ phát triển ngày một giàu đẹp'. Trong những ngày cả nước đang thi đua lập thành tích, hướng trọn niềm tin vào Đại hội lần thứ XI của Đảng, chúng tôi đã về thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Tứ (sinh năm 1917) tại xã Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng). Mẹ Tứ là một trong số 25 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của huyện Hòa Vang hiện còn sống. Mẹ có ba con trai là liệt sĩ, hiện nay Báo Nhân Dân là đơn vị phụng dưỡng mẹ đến cuối đời. Khi chúng tôi đến, người cháu dâu của mẹ cùng mấy cháu nhỏ đang treo cờ Tổ quốc trước cổng nhà để đón xuân mới 2011 và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc. Mẹ nói: 'Mẹ đã gửi trọn những giọt máu đào của mình cho Tổ quốc, mẹ chỉ mong mình được sống thọ hơn để được ngắm nhìn quê hương, đất nước ngày càng đổi mới. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn Báo Nhân Dân đã hết lòng phụng dưỡng mẹ...'. Nắm bàn tay dạn dày sương gió, tảo tần của mẹ, tôi cảm nhận được tấm lòng của mẹ Tứ. Và tôi nghĩ, mẹ cùng bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác vẫn truyền giữ cho chúng tôi hơi ấm của lý tưởng cách mạng, của tình yêu Tổ quốc, của lòng tự hào về truyền thống quê hương. Chí quật cường thắm đỏ một 'chấm son' Cho đến hôm nay, người dân Hòa Vang vẫn kể cho nhau về lời dạy của Bác Hồ năm 1965, khi đồng chí Mai Ngọc Châu, Chính trị viên Huyện đội Hòa Vang được cử ra Hà Nội báo cáo điển hình về thành tích chiến đấu của quân và dân huyện Hòa Vang với Trung ương Đảng. Sau khi nghe đồng chí Châu báo cáo, Bác Hồ đã gửi lời khen ngợi thành tích của Đảng bộ và nhân dân Hòa Vang. Người căn dặn 'Hãy cố gắng làm cho Hòa Vang trở thành chấm son trên bản đồ Tổ quốc'. Hẳn vì thế, trên đất Hòa Vang bây giờ, cuộc sống đã đổi thay rất nhiều. Sau ngày hòa bình lập lại, quê hương hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Vang đã vượt qua mọi khó khăn, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn, làm phong trào thủy lợi, thâm canh tăng vụ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và cơ giới hóa nông nghiệp. Yêu quê hương và một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Hòa Vang đã cùng với đồng bào người Kinh cùng làm kinh tế. Theo cách nói của già làng Alăng Cần, thôn Phú Túc, mong muốn lớn nhất của ông và bà con dân tộc Cơ Tu đối với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là làm sao để cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng ngày càng được quan tâm hơn. Đồng thời làm sao giữ gìn, bảo tồn được các di tích, khu căn cứ cách mạng để con cháu mai sau học tập, noi theo, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đẹp giàu. Là huyện nông thôn duy nhất của TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, kinh tế của huyện Hòa Vang có bước phát triển mới, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay. Huyện đã trồng mới được 9.440 ha rừng, chăm sóc 26.314 ha rừng; quản lý và bảo vệ 29.000 ha rừng đặc dụng và phòng hộ; kinh tế trang trại phát triển theo hướng thâm canh, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Toàn huyện Hòa Vang có 11 chi hội làm vườn, 157 trang trại vừa và nhỏ với quy mô từ 5 đến 15 ha đang phát huy tác dụng nhờ ứng dụng được khoa học kỹ thuật hiện đại. Hàng nghìn lượt bà con nông dân được tiếp cận với các chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương về nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, kỹ thuật, trang thiết bị. Các vùng rau chuyên canh đang hình thành, và nhân rộng mô hình VAC như nuôi bò lai sin, nuôi cá, tôm, ếch. Hiện nay Hòa Vang đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia, với mục tiêu xây dựng từ bảy đến tám xã đạt bộ tiêu chí này theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015). Bắt nhịp với tốc độ phát triển nhanh của TP Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có những bước chuyển khá mạnh trên các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Chỉ tính riêng năm 2010, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 630,8 tỷ đồng, bằng 1,6 lần so với năm 2009... Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trao đổi ý kiến với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Đình Hồng cho biết: 'Tự hào và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Vang đã và đang đồng tâm hiệp lực đưa Hòa Vang phát triển theo hướng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt có tâm và đủ tầm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của TP Đà Nẵng, để Hòa Vang xứng đáng là cái nôi cách mạng, là niềm tự hào của TP Đà Nẵng Anh hùng'. Đi trên những con đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa, được nhìn ngắm những ngôi nhà mới khang trang, những trường học mới được xây dựng,... tôi nghe như vang vọng đâu đây từ những rừng cây bạt ngàn mầu xanh, những cánh đồng lúa chín vàng trên đất Hòa Tiến Anh hùng, những lời thì thầm ngày xưa vọng lại. Như nhắc nhở lớp con cháu hôm nay rằng, mỗi tấc đất quê hương hôm nay đã phải đổi bằng mồ hôi, công sức và máu xương của người đi trước; và vì thế, các thế hệ hôm nay và mai sau phải tiếp tục làm nên những thành tựu mới để quê hương ngày càng giàu đẹp, để xứng đáng với những người đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/hoa-vang-anh-d-ng-cu-c-s-ng-di-u-k-1.284610